Theo Bộ Xây dựng, việc thông qua Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024 đã khơi thông nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường ưu đãi cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó, Luật Nhà ở 2023 được xem là một trong những căn cứ quan trọng về chiến lược phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng.
Luật Nhà ở 2023 có quy định về quy hoạch quỹ đất nhà ở xã hội thuộc trách nhiệm của từng địa phương, không chỉ giải quyết được bất cập về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cho chủ đầu tư, mà còn có lợi cho người mua nhà. Bởi qua việc nắm rõ thông tin về nhu cầu của người dân, địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất thực sự phù hợp. Bên cạnh đó, Luật Nhà ở 2023 cũng quy định chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ đất của dự án, không phải thực hiện các thủ tục liên quan đến xác định giá đất hay thủ tục xin miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, Luật Nhà ở 2023 đã sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách rất quan trọng và thiết thực, giảm thiểu khó khăn trong quá trình tiếp cận cho người dân khi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Theo đó, quy định người mua nhà chỉ cần "chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng" đã tháo gỡ cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xác nhận hồ sơ.
Điều kiện về thu nhập để được mua, thuê mua nhà ở xã hội đã theo hướng thông thoáng hơn, không chỉ giới hạn ở những người không nộp thuế thu nhập cá nhân như hiện tại. Ngoài ra, Luật Nhà ở 2023 đã bãi bỏ điều kiện cư trú đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Theo ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Luật Nhà ở 2023 đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung quan trọng liên quan đến chính sách nhà ở xã hội theo hướng mở rộng đối tượng được đầu tư (gồm cả Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài,...) và mở rộng đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội (gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp). Bên cạnh đó, Luật bổ sung các chính sách ưu đãi như: không phải thực hiện thủ tục miễn giảm tiền sử dụng, thuê đất; luật hóa việc dành 20% diện tích đất nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại và chủ đầu tư được hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích này, hạch toán riêng với chi phí xây dựng nhà ở xã hội;...
"Các chính sách mới liên quan đến nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến thị trường nhà ở xã hội về nguồn cung nhờ đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách hợp lý hơn, bổ sung các chính sách ưu đãi thiết thực cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, cần quan tâm rút gọn quy trình, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội, yêu cầu hình thành hệ sinh thái và nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội một cách lâu dài, bền vững", ông Lực nhận định.
Nhiều chuyên gia cho biết một số quy định mới trong Luật Nhà ở 2023 mang lại quyền lợi cho người dân như: việc cấp sổ hồng cho căn hộ chung cư mini, căn hộ đủ điều kiện được cấp sổ hồng theo quy định của pháp luật về đất đai sẽ được bán, cho thuê, thuê mua theo quy định Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản;
Luật Nhà ở 2023 cũng quy định, thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế nhà chung cư theo kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền. Thời hạn sử dụng nhà chung cư được tính từ khi nghiệm thu đưa vào sử dụng. Cùng với đó, quy định nới lỏng điều kiện mua, thuê mua nhà ở xã hội tạo thêm cơ hội tiếp cận cho người dân.
Ngoài ra, Luật Nhà ở 2023 không giới hạn tỷ lệ trả trước như quy định hiện hành khi người mua bắt buộc phải thanh toán trước 20% giá trị của nhà thuê mua. Khi Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực, các bên sẽ được tự thỏa thuận về số tiền trả trước khi thuê mua nhà ở, miễn không vượt quá 50% giá trị của nhà thuê mua. Số tiền còn lại được tính thành tiền thuê nhà để trả hàng tháng cho bên cho thuê mua trong một thời hạn nhất định. Sau khi hết thời hạn thuê mua và khi đã trả hết số tiền còn lại thì người thuê mua có quyền sở hữu đối với nhà ở đó.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho biết, Luật Nhà ở 2023 đã đi theo xu hướng cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền và thu hẹp các loại giấy phép con. Việc cắt giảm các thủ tục pháp lý sẽ tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
"Luật Nhà ở 2023 đã quy định danh mục các hồ sơ, tài liệu phải có trước khi bàn giao nhà ở chung cư để chủ đầu tư tự kiểm soát và tự chịu trách nhiệm. Đây là phương thức quản lý thay đổi từ biện pháp tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp. Những quy định mới trong Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực sẽ tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tăng nguồn cung nhà ở và sớm đưa sản phẩm nhà ở đến với người tiêu dùng, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp", ông Điệp nhận định.