Ngày 10/3, mạng xã hội xôn xao về clip nói chuyện với búp bê và "xin vía học giỏi" cho các bạn nhỏ của Thơ Nguyễn - nữ YouTuber sở hữu gần 9 triệu lượt đăng ký. Đoạn clip được đăng trên nền tảng TikTok từ ngày 27/2 và tính đến chiều 10/3, đã thu về 5 triệu lượt xem.
Đón nhận làn sóng chỉ trích dữ dội, Thơ Nguyễn sau đó đã đăng tải clip mới, vừa khóc vừa thanh minh. Thơ tuyên bố nếu nghỉ làm YouTuber vẫn đủ tiền sống.
Trao đổi với chúng tôi ngày 12/3, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nhận định, việc YouTuber Thơ Nguyễn đăng tải clip "xin vía học giỏi" dù với mục đích nào, thì cũng không thể chấp nhận được. Bởi hành động trên đã gây ảnh hưởng đến thế hệ trẻ em vốn ngây thơ và tò mò, chưa có khả năng phân biệt tốt - xấu, hay - dở, chưa hoàn thiện về mặt nhân cách, trí tuệ sẽ dễ dàng học theo, bắt chước.
"Về mặt xã hội, nội dung này không có ý nghĩa nhân văn hay giúp các em nhỏ khám phá cuộc sống. Hành vi 'xin lộc', 'xin ban phép' có tính chất mê tín dị đoan. Cơ quan chức năng cần kịp thời xử lý để ngăn chặn việc phát tán clip ra cộng đồng gây ảnh hưởng xấu", luật sư Tiền nói.
Hình ảnh Thơ Nguyễn ôm khư khư búp bê làm clip "xin vía học giỏi" (Ảnh cắt từ clip)
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, đối với người đưa các nội dung nhảm nhí, phản cảm lên mạng xã hội, có thể bị xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng theo khoản 1, Ðiều 101, Nghị định số 15/2020/NÐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Ngoài ra, Điều 288 Bộ Luật hình sự quy định người nào có hành vi đưa lên mạng xã hội để thu lợi bất chính từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 đến dưới 500 triệu đồng, hoặc gây bình luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị phạt tiền từ 30 đến 200 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong trường hợp những clip có nội dung ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ nhỏ, người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm trong xử phạt hành chính theo điểm m Khoản 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Hơn nữa, theo điểm I, Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2018 thì phạm tội đối với người dưới 16 tuổi cũng là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Để xem xét việc tăng nặng đối với hậu quả làm ảnh hưởng xấu đến trẻ em thì cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng để áp dụng.
Không chỉ riêng Thơ Nguyễn, các nền tảng mạng xã hội đầy rẫy những cái tên khác liên tục đăng tải những clip nhảm nhí, giật gân, câu view... Theo luật sư Trần Xuân Tiền, tình trạng này ngày càng phổ biến trên các nền tảng số, vì nhiều tài khoản bất chấp chiêu trò và dư luận, bất chấp hậu quả về chuẩn mực đạo đức, văn hóa xã hội, thậm chí chấp nhận nộp phạt miễn sao đạt được mục đích đánh vào tâm lý tò mò, hiếu kỳ của người xem.
"Nếu thu hút được càng nhiều người quan tâm thì họ sẽ có cơ hội kiếm nhiều tiền từ quảng cáo. Ðiều này phần nào lý giải dù bị cộng đồng phản ứng, bị cơ quan chức năng nhắc nhở, xử phạt, nhiều chủ kênh vẫn tiếp tục sản xuất, đăng tải các clip có nội dung nhảm nhí, phản cảm, thậm chí kích động bạo lực, cổ xúy lối sống đồi trụy", luật sư Tiền phân tích.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội
Theo luật sư, cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc gắt gao và mạnh mẽ hơn nữa để có thể xử lý kịp thời những đối tượng có các hành vi vi phạm pháp luật, giúp mạng xã hội trở nên lành mạnh, tích cực hơn đối với cộng đồng. Đồng thời, chính quyền cần phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội như YouTube, Facebook có trụ sở tại Việt Nam... để điều chỉnh pháp luật và chính sách về nội dung đăng tải trên mạng xã hội. Từ đó sẽ dễ dàng xác định được những lỗi sai và áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.
Ngoài ra, cơ quan chức năng nên xử phạt nặng hơn các YouTuber làm clip phản cảm thay vì khuyến cáo, răn đe, xử phạt vi phạm hành chính. Tùy vào mức độ ảnh hưởng phải xử lý nghiêm khắc, xử lý hình sự nếu sự việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. Cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự khi đủ căn cứ để tạo sức răn đe mạnh.
"Những người hoạt động mạng xã hội cũng cần thay đổi nhận thức, tư duy trong việc bảo vệ sự phát triển toàn diện, lành mạnh của cộng đồng khi đăng tải các video lên mạng xã hội", luật sư Tiền nói.
Đối với phụ huynh, luật sư khuyến cáo họ cần ngăn chặn và giúp con tránh xa những clip nhảm nhí trên mạng xã hội. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với công nghệ và kiểm soát thật chặt chẽ nội dung con xem. Đồng thời, bố mẹ cần hướng trẻ đến những hoạt động vận động ngoài trời để phát triển toàn diện.
"Đừng mải kiếm tiền, đừng bỏ rơi con cái! Những đoạn clip dễ bị cắt ghép các nội dung tiêu cực, do đó bố mẹ cần biết con mình xem gì, đọc gì, bên cạnh con nhiều hơn, tâm sự và kể chuyện cùng con", luật sư Tiền chia sẻ.
Khi phát hiện những nội dung, thông tin trên mạng xã hội có thông tin phản cảm, vi phạm thuần phong, mỹ tục, trái đạo đức xã hội hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, người dùng phải báo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Hiện nay, thông tin với báo chí, Tổng cục Thuế cho biết đang phối hợp với các cục Thuế liên quan, trong đó có Cục Thuế Bình Dương, Hà Nội phối hợp kiểm tra, rà soát việc chấp hành thuế của YouTuber Thơ Nguyễn.
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Điều 1 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định về các đối tượng chịu thuế thì các cá nhân có thu nhập từ kinh doanh mà doanh thu từ 100 triệu đồng một năm trở lên phải nộp thuế theo quy định.
Theo đó, các cá nhân nhận thu nhập từ tổ chức như Facebook, Google, YouTube... được xếp vào dạng cá nhân kinh doanh, không phải là các cá nhân được nhận lương từ các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
Kênh YouTube của Thơ Nguyễn có gần 9 triệu theo dõi (Ảnh chụp màn hình)
Trước đó, trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc thu nhập từ kênh YouTube của Thơ Nguyễn lên đến hàng trăm tỷ, Thơ cho biết, những số liệu ước tính đó chỉ phù hợp với người xem ở nước ngoài. Kênh của cô đa phần các clip dành cho trẻ em nên không có nhiều quảng cáo, số tiền thu nhập mình xin phép không tiết lộ nhưng những thông tin đó là suy đoán không đúng sự thật.
Căn cứ tại phụ lục 01 danh mục ngành nghề tính thuế GTGT, thuế TNCN theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với cá nhân kinh doanh ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC, các cá nhân kinh doanh trên các trang mạng xã hội và được nhận tiền từ các mạng nước ngoài chuyển về phải kê khai, nộp thuế theo tỷ lệ 5% thuế giá trị gia tăng, tỷ lệ 2% thuế thu nhập cá nhân.
Luật sư Tiền nhận định, các nhà làm luật cần bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật" trong quy định xử phạt vi phạm hành chính để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, ngăn chặn triệt để hành vi vi phạm.
Sáng 11/3, thông tin với báo chí, ông Lê Quang Tự Do - Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Cục đã phối hợp với đơn vị nghiệp vụ của Cục An ninh Chính trị nội bộ (Bộ Công an) tìm địa chỉ và số điện thoại của Thơ Nguyễn để mời lên làm việc vì có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan qua các kênh của cô này.
Cùng ngày, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đã cử thanh tra liên hệ được với đại diện kênh YouTuber Thơ Nguyễn. Sắp tới, Bình Dương sẽ làm việc với người này và sẽ thông tin rộng rãi tới báo chí.
Thơ Nguyễn cũng xác nhận đã trao đổi với Bộ Thông tin - Truyền thông và sẽ có buổi gặp mặt làm việc với Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Bình Dương để làm rõ sự việc.