Vấn nạn thực phẩm bẩn đang là vấn đề nóng được cả xã hội quan tâm. Thực trạng nhìn đâu cũng thấy thực phẩm bẩn không chỉ gây hoang mang cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và kinh doanh trong nước.
Theo các chuyên gia, dễ dàng nhận thấy thực trạng đáng lo ngại trên là do bản chất hám lợi của những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, độc hại. Vì lợi nhuận. họ sãn sàng bất chấp tất cả, từ quy định của pháp luật cho đến hậu quả đến sức khỏe người dùng. Không chỉ vậy, để bán được sản phẩm, họ dùng mọi thủ đoạn tinh vi để che giấu, giả mạo,.. những sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng để tuồn sản phẩm "bẩn" ra ngoài thị trường.
Trong nhiều trường hợp các chất độc hại chứa trong thực phẩm có thể không làm chết người ngay mà nó ngấm từ từ, chuyển hóa và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe khi về già, hay thậm chí di truyền cho các thế hệ sau. Sức khỏe người dân không bảo đảm sẽ ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế - xã hội, chi phí thuốc men, chữa trị… sẽ trở thành gánh nặng quốc gia.
Mới đây, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức cuộc họp sơ kết công tác an toàn thực phẩm trong ba tháng đầu năm. Theo kết quả thanh tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm đến ngày 24/4 cho thấy, có trên 31.000 cơ sở vi phạm từ mức độ nhắc nhở, cảnh cáo đến phạt tiền. Tổng số tiền phạt gần 20 tỷ đồng. Trong đó, các cơ quan chức năng đã đình chỉ 72 cơ sở và đình chỉ lưu hành 228 loại thực phẩm. Số cơ sở phải khắc phục nhãn sản phẩm là 231 cơ sở, số cơ sở có sản phẩm bị tiêu hủy là 1.482 cơ sở.Có 1.590 loại thực phẩm bị tiêu hủy do không đảm bảo an toàn như hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Riêng Cục An toàn Thực phẩm đã phạt 15 cơ sở với tổng số tiền 934 triệu đồng, dừng lưu thông 8 lô sản phẩm vi phạm, tiêu hủy 2 lô sản phẩm vi phạm, chuyển 6 vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra. Cục An toàn Thực phẩm cũng đã giám sát, thu hồi, tiêu hủy 22 loại thực phẩm với gần 102 tấn của 4 cơ sở nhập khẩu sản phẩm sữa nghi nhiễm vi khuẩn theo cảnh báo.
Vấn nạn thực phẩm bẩn là chuyện không hề mới, đã được đưa ra bàn bạc và thảo luận rất nhiều. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp cũng đã được triển khai và áp dụng tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa cao. Không ít ý kiến cho rằng, hiện nay pháp luật trong xử lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn chưa nghiêm, hình phạt, mực phạt thấp, thiên về xử lý hành chính nên nhiều người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn không sợ.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty luật SBLAW chia sẻ, căn cứ theo Điều 317 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm bao gồm sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; ….
"Với mức hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Các khung hình phạt của Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của tội danh này. Vì thế việc trừng trị những người đã có hành vi phạm tội chưa đủ sức răn đe. Do đó, mức phạt cần nâng lên cao nhất tới tù chung thân, tử hình mới hợp lý", ông nói.
Ngoài những giải pháp về pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, cần thắt chặt điều kiện cấp phép trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tẩy chay thực phẩm "bẩn" cần có sự tham gia, đồng hành của toàn xã hội cùng với hệ thống thực thi pháp luật chặt chẽ, nghiêm khắc thì mới hy vọng có thể đẩy lùi vấn nạn này.