Luật sư Ngô Văn Hiệp, Chủ tịch Văn phòng Luật sư Hiệp và Liên danh (HALF) cho biết, pháp luật đã qui định dữ liệu công dân được Nhà nước bảo vệ. Việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư như UBND TP. Hà Nội kiến nghị với Chính phủ cần được xem xét ở hai khía cạnh: Chia sẻ cho ai và những dữ liệu nào được phép chia sẻ.
"Dữ liệu của công dân được pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp có yêu cầu từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì dữ liệu mới được phép chia sẻ và việc chia sẻ này phải theo trình tự, thủ tục luật định. Vấn đề cần xem xét ở đây là dữ liệu chia sẻ cho ai và những dữ liệu nào được phép chia sẻ - đối tượng, phạm vi và mức độ. Hơn nữa, trình tự, thủ tục chia sẻ dữ liệu của công dân cần phải được qui định chặt chẽ, tránh các trường hợp lạm dụng có thể xảy ra, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân" - Luật sư Ngô Văn Hiệp nói.
Điều 10 Luật Căn cước công dân năm 2014 qui định, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ. Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngoài ra, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Điều 8 Nghị định số 90/2010/NĐ-CP ngày 18/8/2010 của Chính phủ qui định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nêu rõ, các đối tượng khi yêu cầu cung cấp thông tin về dân cư phải nộp lệ phí.
Các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin về dân cư phải nộp lệ phí, Trích Điều 8 Nghị định số 90/2010/NĐ-CP
Ở góc nhìn khác, ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng Giám đốc FPT cho rằng, việc chia sẻ dữ liệu sẽ giúp tiết kiệm thời gian và công sức của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Bởi lẽ, mỗi cá nhân hiện đang phải khai báo thông tin cá nhân trong rất nhiều trường hợp, như: Giao dịch ngân hàng; quyết toán hợp đồng kinh tế; công chứng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
"Thay vì chúng ta phải khai báo thông tin cá nhân trên CMND/CCCD, tổ chức cung cấp dịch vụ phải nhập thông tin cá nhân vào máy tính, thì chỉ cần trích xuất thông tin cá nhân từ hệ thống CSDL dân cư của công an. Chúng ta không phải khai báo trên giấy, tổ chức cung cấp dịch vụ không phải nhập dữ liệu. Tất cả thông tin ấy dù cơ quan công an không cung cấp thì khi trình CMND/CCCD, tổ chức cung cấp dịch vụ cũng biết… ở đây chỉ thay thế việc khai báo của chúng ta và thay thế việc nhập dữ liệu của tổ chức cung cấp dịch vụ bằng việc trích xuất dữ liệu" - ông Đỗ Cao Bảo nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội sáng 02/7, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã đề xuất Chính phủ cho TP. Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác.
Dự kiến, TP. Hà Nội thu được trên 300 tỷ đồng từ việc chia sẻ dữ liệu mỗi năm.
Để thực hiện thu giá dịch vụ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ban, ngành tháo gỡ các thủ tục, qui trình về thuê các dịch vụ công nghệ thông tin (đường truyền, phần mềm dịch vụ công trực tuyến…). Đồng thời, Chính phủ cần sớm có hướng dẫn, tháo gỡ các qui định về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các tỉnh, thành phố với các bộ, ban, ngành.
Dữ liệu dân cư được trích từ CMND/CCCD, hộ chiếu, hộ khẩu, gồm 7 thông tin như: họ và tên, ngày sinh, giới tính, địa chỉ,… không phải email, số điện thoại, hay tài khoản ngân hàng.
"Tôi có thể khẳng định một điều là thông tin liên quan đến dữ liệu dân cư hoàn toàn không có thể bị lộ lọt. Vấn đề thứ hai là những thông tin đó cũng không có vấn đề gì liên quan đến bí mật cá nhân. Bởi vì dữ liệu dân cư này chính là những thông tin được cơ quan công an ghi lại trong quá trình người dân làm các thủ tục, làm hộ chiếu, làm CMND,… thì nay các dữ liệu này được tích hợp vào trong cơ sở dữ liệu" – Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nói.