Vụ ly hôn nghìn tỷ giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên và vợ ông - bà Lê Hoàng Diệp Thảo tưởng rằng đã đến hồi kết khi phía Trung Nguyên đồng loạt gửi thông cáo báo chí cho các đơn vị truyền thông trong khoảng giữa tháng 2 vừa qua.
Theo thông cáo này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã thanh toán số tiền chênh lệch tài sản trị giá 1.190 tỷ đồng, chính thức sở hữu toàn bộ cổ phần tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên. Phía tập đoàn cũng hoàn thành văn bản, thủ tục để thay đổi thông tin cổ đông, và cái tên Lê Hoàng Diệp Thảo đã không còn xuất hiện trong danh sách cổ đông nữa.
Mới đây nhất, luật sư Lê Thành Kính của Đoàn luật sư TPHCM, đại diện pháp luật cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã chính thức lên tiếng về những vấn đề này. Xuất hiện trên Truyền hình Pháp luật, Luật sư Kính đã chỉ ra 3 điểm không hợp lý trong bản thông cáo báo chí của Trung Nguyên
1. Theo ông Kính, các chứng cứ liên quan đến tư cách cổ đông của bà Thảo không có, cũng không thấy tin tức nào từ cơ quan đăng ký kinh doanh xác nhận bà Thảo không còn là cổ đông Trung Nguyên. Từ đó ông Kính đặt ra vấn đề: "Thông tin đưa lên chẳng nói ra điều gì cả, không có căn cứ nào cả, không viện dẫn quy định pháp luật nên không đủ sức làm rõ vấn đề, tạo ra sự nhầm lẫn trong dư luận".
2. Vào ngày 10/1, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã gửi văn bản về cục thi hành án, yêu cầu hoãn thi hành án trong vòng 3 tháng. Chiếu theo quy định của Luật tố tụng dân sự, khi có quyết định này thì trong vòng 3 tháng kể từ ngày 10/1, bản án không được thi hành dưới bất kỳ hình thức nào, dù có đang được thực hiện cũng không được thực hiện nữa, phải chờ đến khi có quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng nghị.
"Tất cả những gì đã thực hiện xong hoặc chưa thực hiện, những thay đổi về đăng ký kinh doanh, thay đổi người đại diện pháp luật, thay đổi cổ đông… đều không có hiệu lực pháp luật. Nếu đã có yêu cầu hoãn mà vẫn cố gắng thực hiện và thực hiện đến cùng là đã vi phạm pháp luật".
Chưa kể theo luật sư đại diện của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, vụ án này đã diễn ra từ lâu, chứ không phải mới xảy ra. Vì vậy đợi sau 3 tháng để có kết luận kháng nghị đầy đủ rồi mới thi hành thì cũng không có gì muộn.
3. Bản án sơ thẩm, phúc thẩm đều không được bà Lê Hoàng Diệp Thảo đồng tình, dư luận nhiều người cũng không đồng tình và có nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến bản án này.
"Vấn đề đặt ra là tòa án có quyền tước đoạt quyền cổ đông của bà Thảo trong các công ty của tập đoàn Trung Nguyên không? Nhiều chuyên gia kinh tế, người làm luật, luật sư cho rằng tòa án không có thẩm quyền làm điều đó, không có quyền tước đoạt quyền của cổ đông trong việc quản lý doanh nghiệp".
Luật sư cho biết việc bà Thảo xin kháng nghị, giám đốc thẩm bản án của tòa phúc thẩm là có cơ sở pháp lý. Vì vậy, các bên nên đợi hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xem xét lại xem các nội dung của bán án phúc thẩm có phù hợp với quy định pháp luật không.
"Tôi nghĩ thông cáo báo chí của Trung Nguyên đưa ra như vậy là không phù hợp với quy định của pháp luật. Về tình, dù nói gì đi nữa, bà Thảo cũng là một trong những người đầu tiên gây dựng thương hiệu Trung Nguyên. Không thể loại bà Thảo bằng một bản án đang yêu cầu giám đốc thẩm, như vậy quá vội vàng, ảnh hưởng lớn đến uy tín bà Thảo", Luật sư Lê Thành Kính mạnh mẽ khẳng định.