Theo ông Nguyễn Tiến Lập, Luật sư cấp cao của Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự, dù chưa có một khung pháp lý chuyên biệt cho tiền ảo, nhưng không có nghĩa là người tham gia không được pháp luật bảo vệ.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, làn sóng người dân tham gia đầu tư tiền ảo ở Việt Nam là không bình thường, khá nguy hiểm do đa số người đầu tư bỏ tiền thật nhưng hiểu biết thật về giao dịch này còn hạn chế. Do đó, họ bị lạm dụng, rủi ro mất tiền nhưng không thu được kết quả mong muốn. Họ cũng gặp khó khăn trong vấn đề pháp lý để khởi kiện cũng như được bồi thường.
Cụ thể, có hai trường hợp xảy ra.
Thứ nhất, nhà đầu tư ngay tình nhưng bị lạm dụng, lừa dối. Tuy nhiên, những người này không có đủ bằng chứng để chứng minh họ bị lạm dụng.
Thứ hai, nhà đầu tư cũng là đồng phạm trong vụ việc. Tức là biết rõ vi phạm nhưng vẫn tham gia vào.
Đơn cử như vụ việc gần đây đang được cơ quan chức năng xem xét khởi tố được cho là gây thiệt hại lên đến 15.000 tỷ, là loại hình đầu tư tài chính đa cấp bị cấm (khác với kinh doanh bán hàng đa cấp được pháp luật cho phép).
"Việc bỏ tiền đầu tư này khiến nhà đầu tư vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Do đó, việc khiếu nại trở nên khó khăn", ông Lập nói.
Vì vậy, theo vị luật sư này, khuynh hướng đầu tư theo làn sóng tiền ảo trở nên rất rủi ro. Nhà đầu tư cần phải có những hiểu biết chuyên nghiệp, được tư vấn chuyên nghiệp bởi các chuyên gia, luật sư... để tự bảo vệ.
Bên cạnh đó, đối với trường hợp nhà đầu tư người Việt giao dịch ở các sàn nước ngoài, nếu gặp vấn đề tranh chấp, buộc phải khiếu kiện những người này cũng đối mặt với việc dù được pháp luật nước ngoài bảo vệ (trong trường hợp tuân thủ đúng luật nước họ) nhưng quy trình bảo vệ sẽ rất khó khăn, tốn kém.