Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Bộ Công Thương xử lý kiến nghị của Công ty Thai Beverage Public (Thaibev) về việc công ty này không được cử người tham gia vào Hội đồng Quản trị và nắm quyền điều hành trong CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – Mã: SAB).
Sự việc này hiện đang gây nên nhiều bình luận và đồn đoán khác nhau, có thể ảnh hưởng không tốt đến các thương vụ M&A của nhà đầu tư nước ngoài hiện đang và sắp diễn ra sôi động tại Việt Nam.
Để hiểu rõ hơn về các khía cạnh pháp lý có liên quan, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cởi mở với ông Nguyễn Sơn Tùng là Luật sư Điều hành của Legal United Law - một chuyên gia pháp lý có nhiều kinh nghiệm trong các thương vụ M&A.
Thưa luật sư, theo quan điểm của một luật sư, tại sao ThaiBev thông qua công ty thành viên là Vietnam Beverage đã thâu tóm thành công hơn 53% cổ phần trong Sabeco với tổng giá trị gần 5 tỷ USD. Tuy nhiên mãi từ tháng 12/2017 đến nay, chưa có một thành viên nào của ThaiBev được tham gia vào HĐQT của Sabeco?
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Tôi cho rằng nhiều người hay nhầm lẫn giữa cổ đông là chủ sở hữu của Công ty và thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) – những người quản lý Công ty. Hai khái niệm này trong công ty cổ phần là khác nhau, vì không phải lúc nào cổ đông lớn (thông thường nắm giữ từ 10% tổng số cổ phần trở lên) cũng đều đồng thời là thành viên HĐQT.
Trở lại trực tiếp với câu hỏi, và bỏ qua các yếu tố từ nội bộ của Sebeco, tôi cho rằng lý do mà Vietnam Beverage chưa thể có người là thành viên HĐQT Sabeco có thể do Sabeco chưa tiến hành đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) để có thể bầu ra thành viên HĐQT.
Theo quy định tại điểm c, Khoản 2, Điều 135 của Luật Doanh nghiệp hiện hành thì ĐHĐCĐ có quyền và nghĩa vụ trong việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT.
|
|
Ngoài ra, theo Điều lệ của Sebeco mà tôi đã có tham khảo và cụ thể là theo Khoản 3, Điều 13 của Điều lệ Sabeco đã có quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ trên 5% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục từ 6 tháng trở lên thì có quyền đề cử các ứng viên HĐQT.
Theo đó, có thể thời hạn nắm giữ cổ phần của Vietnam Beverage chưa đủ thời hạn theo quy định tại Điều lệ này. Tôi cũng cho rằng, quy định về “thời hạn liên tục từ 6 tháng trở lên” này tại Điều lệ của Sabeco là không trái với các quy định hiện hành của pháp luật về doanh nghiệp.
Vậy quyền được có người là thành viên HĐQT trong Công ty Sabeco của ThaiBev được hiểu như thế nào dưới góc độ pháp lý?
Trước hết, phải xác định Công ty TNHH Vietnam Beverage là một pháp nhân độc lập và đây là một cổ đông lớn hiện hữu của Sabeco thay vì ngôn ngữ truyền thông hay dùng là ThaiBev, và theo như tôi được biết là từ ngày 29/12/2017 đến nay Vietnam Beverage đang sở hữu số lượng 343.642.787 cổ phiếu, tương ứng 53,59% vốn điều lệ Sabeco.
Do đó, Vietnam Beverage hoàn toàn có quyền đề cử người vào làm thành viên Hội đồng Quản trị và đây là quyền đương nhiên của Vietnam Beverage trong vai trò là cổ đông lớn của Sabeco.
Tuy nhiên, xét dưới góc độ quy định của pháp luật thì quyền này nên được hiểu là Vietnam Beverage có quyền đề cử người để ĐHĐCĐ bầu làm thành viên HĐQT, còn người đề cử đó có được ĐHĐCĐ bầu và chấp thuận là thành viên HĐQT hay không cũng cần phải xem xét đến về số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn và điều kiện (tạm gọi là các tiêu chí) để được làm thành viên HĐQT Sabeco.
Để biết rõ tiêu chí của thành viên HĐQT trong Sabeco như thế nào cần phải xem đến Điều lệ và kể cả xem xét đến Quy chế nội bộ về quản trị của Sabeco chứ không phải chỉ đánh giá dựa trên các quy định chung của Luật Doanh nghiệp.
Chúng ta cũng cần phân biệt, Sebeco là một công ty đại chúng nên sẽ có một số sự khác biệt với các công ty cổ phần chưa niêm yết, giao dịch trên sàn chứng khoán. Và sự tham gia của Vietnam Beverage vào Sabeco trong vai trò cổ đông thông qua hình thức nhận chuyển nhượng cổ phần chứ không phải là cổ đông sáng lập, nên quyền và làm thế nào để Vietnam Beverage có được người là thành viên HĐQT Sabeco, tôi cho rằng cần xem xét đến thực tế quản trị nội bộ của Sabeco.
Như luật sư đã đề cập bên trên, vậy có phải chỉ khi Sabeco tổ chức ĐHĐCĐ thì Vietnam Beverage mới có thể cử đại diện vào HĐQT?
Tôi cho rằng là như vậy. Theo như tôi được biết và chính Điều lệ của Sabeco cũng đã có quy định là ĐHĐCĐ sẽ họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Và ngày kết thúc năm tài chính của Sabeco được xác định là ngày 31/12 hàng năm. Trong trường hợp phải gia hạn, theo quy định của Luật Doanh nghiệp thời hạn gia hạn (nếu có) cũng không thể vượt quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ của Sabeco cũng có thể họp bất thường với sự triệu tập của HĐQT nhưng quan trọng là việc đề cử và bầu thành viên HĐQT của Vietnam Beverage phải được đưa vào nội dung kỳ họp ĐHĐCĐ để thảo luận và thông qua.
Đề nghị có người Vietnam Beverage trong HĐQT, tôi cho rằng Vietnam Beverage có cơ sở để được giải quyết trong thời gian sớm, nhất là Văn phòng Chính phủ cũng đã phát hành công văn yêu cầu Bộ Công Thương xử lý kiến nghị của Thaibev.
|
Thaibev đang nắm giữ hơn 53% cổ phần của Sabeco. |
Nếu trong trường hợp giữa Vietnam Beverage và Sabeco vẫn tiếp tục không thống nhất được về cử được đại diện vào HĐQT, thì tranh chấp sẽ được giải quyết như thế nào?
Tôi đánh giá đây là một tranh chấp mang tính chất nội bộ liên quan đến tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp của Sabeco, tranh chấp này có thể phát sinh từ các cách hiểu khác nhau giữa một cổ đông lớn trong Sabeco và/hoặc có liên quan đến HĐQT Sabeco.
Theo Điều lệ của Sabeco, dạng tranh chấp như vậy sẽ được Chủ tịch HĐQT chủ trì và tham gia như một trung gian hòa giải nhằm giải quyết tranh chấp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày phát sinh tranh chấp.
Nếu ý kiến hay kết quả hòa giải của chủ tịch HĐQT vẫn không được các Bên cùng chấp thuận, theo đó tranh chấp sẽ được đưa ra giải quyết tại tổ chức trọng tài hay cơ quan tòa án có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong Điều lệ của Sabeco đã không đề cập rõ đến tổ chức trọng tài cụ thể được chỉ định.
Xin cảm ơn luật sư!
|