Sáng 18/7, bị can Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đã tử vong sau hơn 7 tháng bị tạm giam để điều tra về những sai phạm trong hoạt động ngân hàng tại BIDV.
Trao đổi với PV, Luật sư Đinh Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Quang - Đoàn luật sư TP Hà Nội, người trợ giúp pháp lý cho ông Trần Bắc Hà với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong phiên tòa Trầm Bê - Phạm Công Danh) cho biết, trước thời điểm bị khởi tố, bắt, ông Hà có một số bệnh trong người.
Trong đó, ông Trần Bắc Hà đã mổ, cắt, ghép gan từ năm 2012 và trong các năm tiếp theo vẫn phải đi khám lại xem có duy trì, ổn định tốt không...
Bên cạnh đó, ông Hà bị bệnh tiểu đường, huyết áp, mạch vành tim. Thời điểm cấp hồ sơ y tế vào tháng 1/2018, ông Hà còn vừa mổ tuyến giáp.
"Ông Hà khám chữa các bệnh đó đều ở bệnh viện Singapore và do các bác sĩ quốc tế thực hiện. Việc mổ gan là do một chuyên gia Hoa Kỳ thực hiện.
Ở đây cần phải nói rõ, vào thời điểm tháng 1/2018, ông Hà có những tiền sử bệnh, sức khỏe không thực sự tốt nhưng không có nghĩa đang mắc trọng bệnh với mức độ nguy hiểm.
Ông Hà có bệnh trong người và cần chăm sóc y tế cẩn thận", luật sư Tuấn nói.
Luật sư Tuấn cũng chia sẻ, sau khi ông Trần Bắc Hà bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) khởi tố, bắt tạm giam hồi tháng 11/2018, ông không có thêm thông tin về tình hình sức khỏe do ông Hà và gia đình, không mời ông tham gia bảo vệ.
Nam luật sư bày tỏ khá bất ngờ trước việc ông Hà tử vong và cho hay, theo quy định của pháp luật, sau khi bị can trong một vụ án tử vong, cơ quan chức năng sẽ tiến hành khám nghiệm tử thi, mời cả đại diện gia đình, VKS chứng kiến.
Sau khi khám nghiệm xác định nguyên nhân chết, trại tạm giam sẽ bàn giao thi thể cho gia đình để thực hiện tang lễ.
Bên cạnh đó, căn cứ quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, trong trường hợp bị can đang bị điều tra, truy tố, xét xử qua đời thì các cơ quan tố tụng sẽ đình chỉ điều tra, truy tố hoặc xét xử đối với bị can đó.