Cùng với hỗ trợ các điều kiện tiêu thụ vải thiều của chính quyền địa phương, nông dân đang tích cực chăm sóc vườn vải đảm bảo vải chất lượng vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng vừa có thu nhập cao nhất.
Dưới cái nóng như đổ lửa những ngày giữa tháng 5 nhưng trên các đồi vải ở huyện Lục Ngạn vẫn tập trung rất đông nông dân miệt mài chăm sóc thành quả gần 1 năm qua để có những sản phẩm tốt nhất phục vụ người tiêu dùng. Mặt bịt kín che cái nóng gần 40 độ C, tay thoăn thoát cắt tỉa cảnh, ông Vi Văn Hồng, thôn Muối, xã Giáp Sơn phấn khởi khoe vụ vải năm nay gia đình cũng như các hộ dân trong thôn sẽ không còn vất vả chở vải ra chợ tiêu thụ như hàng năm.
Vải thiều sớm chuẩn bị thu hoạch ở Lục Ngạn - Bắc Giang.
Xã Giáp Sơn hiện có 1.860 hộ tham gia trồng vải với gần 1.000 ha. Trong đó, diện tích trồng theo quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt VietGap là 668 ha, và 10,2 ha trồng vải theo tiêu chuẩn Global Gap.
Chị Vi Thị Minh, cán bộ Khuyến nông xã Giáp Sơn cho biết, vụ vải năm nay mặc dù sản lượng giảm do điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng bù lại, diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn an toàn được mở rộng, giá có thể sẽ cao hơn mọi năm.
“Nguyên nhân giảm do biến đổi khí hậu, năm nay cuối năm giáp Tết thời tiết mưa ẩm kèm lạnh nên tỷ lệ ra hoa thấp. Sản lượng vải của xã Giáp Sơn được 80%, so với năm ngoái ít hơn năm ngoái khoảng 20%, năm ngoái được mùa. Sản lượng vải ít hơn thì sẽ bán được giá hơn” - chị Minh nói.
Ông Vũ Văn Tiến, Phó Giám đốc Điện lực huyện Lục Ngạn cho biết, trên địa bàn hiện có 3 cơ sở sản xuất thùng xốp, 42 cơ sở sản xuất đá cây. Đảm bảo cấp điện đủ cho các hộ sản xuất dịch vụ phụ trợ cho tiêu vụ vải, ngành đã họp với các cơ sở sản xuất, điểm cân, khuyến cáo người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả giờ cao điểm. Bố trí lực lượng ứng trực suốt ngày đêm sẵn sàng sửa chữa, khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất, bảo đảm cấp điện ổn định cho người dân, doanh nghiệp trong vụ vải thiều năm nay.
Người dân chăm sóc vải chín sớm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn - ông Cao Văn Hoàn cho biết, thời điểm hiện nay mới chuẩn bị bước vào thu hoạch vải thiều sớm chưa vào chính vụ nhưng đã có hàng trăm thương lái Trung Quốc, các doanh nghiệp, chợ đầu mối lớn trong nước đến Lục Ngạn để khảo sát, đánh giá chất lượng chuẩn bị thu mua tiêu thụ.
Năm nay toàn bộ diện tích 15.300 ha vải thiều của Lục Ngạn đã được phía Trung Quốc cấp 36 mã số vùng trồng, cấp tem xuất khẩu, về phía huyện có 3 đơn vị tham gia đủ điều kiện về đóng gói, dán tem truy xuất để xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc. Địa phương cũng hỗ trợ kinh phí thiết kế mẫu mã, bao bì đối với các hợp tác sử dụng tem truy xuất tối đa là 20 triệu đồng/cơ sở và kinh phí hỗ trợ không quá 50%.
“Đây là một trong những điều kiện khẳng định trách nhiệm của người sản xuất đối với người tiêu dùng. Đồng thời bảo vệ và nâng cao uy tín của thương hiệu vải thiều Lục Ngạn đối với người tiêu dùng. Những điều kiện khác như: quản lý cung ứng đá cây, thùng xốp đề nghị các đơn vị, tổ chức ký cam kết là không bán giá quá cao, thực hiện việc công bố giá hàng ngày” - ông Hoàn nói.
Vụ vải thiều năm 2019, tỉnh Bắc Giang duy trì gần 28.500 ha, sản lượng ước khoảng 150.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm từ ngày 25/5 đến 10/6; vải chính vụ từ ngày 5/6 đến 5/7. Năm nay, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn sản xuất thực hành nông nghiệp Tốt VietGAP đạt gần 14.000 ha, tiêu chuẩn GlobalGAP là 218 ha tại huyện Lục Ngạn.