Bên cạnh sự hoành tráng, quy mô thì không ít dự án bất động sản của Tập đoàn FLC khi ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT cũng vướng lùm xùm.
Chậm nộp tiền trúng đấu giá
Đầu tháng 3, Thanh tra Chính phủ (TTCP) ban hành kết luận thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Trong kết luận, TTCP đã nêu hàng loạt vi phạm tại dự án tổ hợp thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố (FLC Legacy Kon Tum) tại phường Trường Chinh, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC, mã chứng khoán: FLC) làm chủ đầu tư. Dự án FLC Legacy Kon Tum có tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.
Theo TTCP, dự án FLC Legacy Kon Tum được tỉnh Kon Tum giao cho Tập đoàn FLC có diện tích gần 180.000 m2. Ngày 18/7/2019, UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt kết quả trúng đấu giá và ban hành quyết định về việc bán tài sản công cho người duy nhất đăng ký mua. Tại thời điểm thanh tra (tháng 8/2020), Tập đoàn FLC không thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Đến ngày 16/9/2020, phía FLC mới nộp tổng số tiền trúng đấu giá là 204 tỷ đồng và tiền phạt chậm nộp là gần 21 tỷ đồng. Theo TTCP, như vậy là vi phạm quy chế đấu giá tài sản và hợp đồng mua bán tài sản nhưng UBND tỉnh Kon Tum đã thiếu kiên quyết, quyết liệt trong việc xử lý hủy kết quả đấu giá.
Bên cạnh đó, trong khi dự án chưa đầu tư hoàn thành, văn phòng đăng ký đất đai tỉnh tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tự ý tách thửa diện tích đất hơn 71.600 m2 thành 474 thửa và cấp riêng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Tập đoàn FLC với thời hạn lâu dài là không đúng quy định Luật đất đai.
Với những vi phạm trên, UBND tỉnh Kon Tum giải trình nơi đây là địa bàn đặc biệt khó khăn, việc thu hút đầu tư không thuận lợi. Khi có nhà đầu tư lớn, địa phương đã tạo mọi điều kiện và nhiều lần thúc Tập đoàn FLC nộp tiền. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát, chủ đầu tư bị ảnh hưởng, gặp khó khăn về tài chính.
Xây dựng trước khi được chấp thuận chủ trương đầu tư
Năm 2021, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cũng thanh tra 2 dự án tại TP Hạ Long do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư là dự án Quần thể Trung tâm hội nghị, khu dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng FLC và dự án Sân golf Ngôi sao Hạ Long tại đồi Cột 3 đến Cột 8 TP Hạ Long.
Kết quả, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và chỉ ra hàng loạt vi phạm không thể khắc phục tại 2 dự án trên của Tập đoàn FLC.
Theo Thanh tra tỉnh Quảng Ninh, ngày 30/1/2018, dự án Sân golf Ngôi sao Hạ Long tại đồi Cột 3 đến Cột 8 TP Hạ Long mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và ngày 5/2/2018 mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đồng thời, ngày 21/4/2017 dự án mới Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); ngày 13/3/2018 được UBND tỉnh Quảng Ninh giao đất và ngày 3/4/2018 mới ký hợp đồng thuê đất. Tuy nhiên, từ tháng 9/2016, nhà đầu tư đã khởi công xây dựng dự án.
Với hành vi vi phạm pháp luật trên, ngày 28/2/2017, nhà đầu tư bị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh xử phạt vi phạm hành chính 400 triệu đồng do không ĐTM được phê duyệt.
Sau đó, ngày 18/1/2019, Chánh thanh tra Sở Xây dựng Quảng Ninh tiếp tục xử phạt số tiền 40 triệu đồng do tổ chức thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật không có giấy phép.
Không những thế, theo kết luận của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh, nhà đầu tư còn sử dụng đa số phần diện tích 6,64 ha/95,52 ha còn lại theo quy hoạch của dự án (trong đó có diện tích thuộc đơn vị Cụm 42 - Bộ Tham mưu Quân khu 3 quản lý) để xây dựng cây xanh sân golf và nhà tạm, khi chưa có quyết định cho thuê đất, chưa bàn giao đất thực địa.
Xây dựng không phép tại 2 đại dự án
Vào khoảng giữa tháng 7/2017, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố kết luận số 265/KL-TTr đối với hai đại dự án nghìn tỷ đồng của Tập đoàn FLC mắc nhiều vi phạm.
Cụ thể, hai đại dự án tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) và dự án Nhơn Lý (Quy Nhơn, Bình Định) của FLC trong việc thực hiện công tác xây dựng theo quy hoạch, quản lý chất lượng công trình xây dựng và hoạt động kinh doanh bất động sản có nhiều vi phạm.
Theo đó, đối với dự án của FLC Sầm Sơn tại Thanh Hóa (có tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng - PV), Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, từ năm 2013, UBND tỉnh này đã phê duyệt quy hoạch sân golf, trước khi được Thủ tướng đồng ý bổ sung vào quy hoạch tới 11 tháng.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 11 ha đất rừng phòng hộ làm sân golf là vi phạm quy định của Thủ tướng. Cơ quan này còn cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 11 ha đất rừng phòng hộ để thực hiện dự án FLC Sầm Sơn khi chưa có đủ điều kiện quy định của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và Phát triển rừng.
Tỉnh Thanh Hóa cũng không ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500 đối với dự án sân golf và khu đô thị sinh thái của chủ đầu tư này tại Quảng Cư.
Có 2 công trình thuộc dự án FLC Sầm Sơn và 2 công trình thuộc dự án FLC Sầm Sơn Golf Links đã thi công hoàn thành nhưng thời điểm thanh tra chưa có giấy phép xây dựng.
Đối với dự án quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp tại Nhơn Lý ( FLC Quy Nhơn) tại Bình Định (tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng - PV), cơ quan thanh tra cũng cho biết, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 không phù hợp với đồ án 1/2000.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cấp phép cho 7 công trình thi công đã hoàn thành thuộc dự án này. Còn 5 công trình khác đã hoàn thành nhưng chưa có giấy phép xây dựng.
Những lùm xùm tại các dự án ở Hà Nội
Khoảng tháng 8/2018, hàng chục người dân tụ tập, giăng băng rôn trước trụ sở của Tập đoàn FLC ở Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) yêu cầu gặp lãnh đạo cao nhất để giải quyết những vướng mắc liên quan đến vi phạm hợp đồng tại dự án FLC Garden City Đại Mỗ (Hà Nội) được truyền thông phản ánh.
Được biết, dự án FLC Garden City Đại Mỗ có diện tích 7,8 ha với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, nằm tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội do Công ty Cổ phần Địa ốc Alaska (Alaska Land) làm chủ đầu tư. Trong quá trình xây dựng từ năm 2014, chủ đầu tư đã nhiều lần bị cơ quan chức năng địa phương đình chỉ thi công và xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng khi chưa có giấy phép.
Tương tự, năm 2014, FLC triển khai dự án tổ hợp chung cư FLC Complex ở 36 Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, gồm 480 căn hộ chung cư, trung tâm thương mại, bể bơi… Khi được đưa vào sử dụng, tại dự án này lại phát sinh hàng loạt lùm xùm. Đơn cử như chủ đầu tư bị phanh phui việc mở bán chính thức dự án khi chưa hoàn thiện phần móng, vi phạm quy định theo Nghị định 71/2010 của Chính phủ.
Hay tại FLC Complex của dự án FLC Landmark Tower trên đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), chủ đầu tư cũng từng bị cư dân tố tự ý xây thêm tầng và bán "chui".
(Theo Dân trí)