Chủ tịch CTCP Tập đoàn Asanzo bị tố không hề góp vốn vào sản xuất phân bón và bị cho là không sở hữu công nghệ, công thức phối trộn vi sinh độc quyền sản phẩm phân bón Ba Con Bò.
Thông tin ông Phạm Văn Tam (shark Tam), Chủ tịch CTCP Tập đoàn Asanzo tổ chức lễ ra mắt trang trại sinh thái và thương hiệu phân bón hữu cơ Ba Con Bò đang được truyền thông rầm rộ gây nhiều bức xúc cho các đối tác.
Theo đó, ông Tam được cho là không đầu tư vào các trang trại bò mà chỉ mua phân bón.
Hệ thống trang trại bò trải dài từ Hoà Bình đến Nghệ An được ông Tam nhắc đến là trang trại thuộc sở hữu của CTCP giống và thức ăn T&T 159 Hòa Bình và CTCP Vật tư nông nghiệp Thái Hòa (Nghệ An). Các trang trại đều cho biết, không có khoản tiền góp vốn nào như ông Tam nói.
Ông Tam được cho là không rót khoản vốn 2.000 tỷ đồng cho hệ thống 5 trang trại bò quy mô 25.000 con như doanh nhân sinh năm 1980 này chia sẻ với báo chí trong buổi ra mắt thương hiệu phân bón Ba Con Bò vừa qua.
Ông Tam Asanzo dính vụ lùm xùm rót 2.000 tỷ làm phân bón |
Ông Tam bị tố, "Ba Con Bò là sản phẩm phân bón hữu cơ được sản xuất trên công nghệ, công thức phối trộn vi sinh độc quyền của Công ty T&T 159 miền Nam".
Theo đó, ông Tam chỉ ký hợp đồng mua phân bón từ Công ty T&T 159 (tại Hà Nội) trong vai trò phân phối, bao tiêu với sản lượng 25.000 tấn/năm và lấy tên mới là "Ba Con Bò" mà hoàn toàn không có điều khoản hợp tác bằng hình thức góp vốn.
CTCP Phân bón T&T 159 miền Nam là một thực thể khác, mới được thành lập cuối 2020 và là đơn vị phân phối phân bón Ba Con Bò. Phía ông Tam chỉ phân phối và thỏa thuận được độc quyền, lấy thương hiệu mới là Ba Con Bò. Còn chất lượng, tiêu chuẩn cấp phép lưu hành đều thuộc hồ sơ của công ty bên cung cấp chứ không phải là "độc quyền của CTCP Phân bón T&T 159 miền Nam".
Thông thường việc xin giấy phép lưu hành sản phẩm phân bón không dễ, ít cũng phải mất 12 tháng đến khoảng 3 năm tùy vào danh mục sản phẩm. Việc xin lưu hành cũng đồng nghĩa với việc phải khai báo về quy trình sản xuất, công thức phối trộn các sản phẩm... với Cục Bảo vệ thực vật ( Bộ NN-PTNT). Sau đó, còn phải thẩm định điều kiện bảo vệ môi trường, cháy nổ, hồ sơ pháp lý mới được đánh giá đủ điều kiện sản xuất,...
Tổng Giám đốc T&T 159 Đỗ Thế Thắng cũng khẳng định với Tạp chí Nhà đầu tư, thông tin ông Tam cùng nhóm nhà đầu tư rót tiền vào hệ thống trang trại bò trải dài từ Hoà Bình đến Nghệ An, tổng vốn 2.000 tỷ đồng là không chính xác. Phía ông Tam chỉ là phân phối độc quyền phân bón Ba Con Bò vào thị trường miền Nam do T&T 159 sản xuất. Ông Phạm Văn Tam trong khi đó úp mở và chưa dám đưa thêm thông tin về khoản đầu tư này.
Trên trang web của CTCP giống và thức ăn T&T 159, doanh nghiệp này giới thiệu được thành lập từ năm 2012 và là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào ngành chăn nuôi đại gia súc và xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch tại các tỉnh phía Bắc.
T&T 159 đã đầu tư hệ thống trang trại và nhà máy sản xuất thực ăn và tổ chức chăn nuôi tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ, Nghệ An với nhiều dự án, trên quy mô hàng trăm hecta.
Tuy nhiên, T&T 159 không hề đề cập tới sự hợp tác với doanh nghiệp của ông Phạm Văn Tam.
Đây là vụ lùm xùm thứ hai mà ông Phạm Văn Tam dính tới. Trước đó, CTCP Tập đoàn Asanzo của shark Tam từng bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra làm rõ có hay không các sai phạm trong việc “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, “lừa dối khách hàng” về xuất nhập khẩu hàng hóa, linh kiện có xuất xứ Trung Quốc, nhưng về thay nhãn hàng hóa hoặc lắp ráp đơn giản, rồi dán nhãn “Asanzo” có xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam hoặc xuất khẩu sang nước thứ 3 và có hay không dấu hiệu “buôn lậu”, “trốn thuế”.
Cơ quan chức này sau đó kết luận chưa có căn cứ xác định Công ty Asanzo có hành vi lừa dối khách hàng trong việc bán các sản phẩm hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo do chưa có căn cứ xác định việc hưởng lợi của Asanzo trong việc bán hàng hóa xuất xứ “Trung Quốc” đội lốt hàng hóa có xuất xứ “Việt Nam” tại thị trường Việt Nam.
V. H