Liên quan vụ tranh chấp thương hiệu Fiditour mà Báo Người Lao Động đã phản ánh, luật sư (LS) Nguyễn Văn Đức, Công ty Luật Kinh Luân (TP HCM), cho rằng xung quanh vụ tranh chấp liên quan đến việc ban hành nghị quyết của HĐQT Công ty CP Fiditour (gọi tắt là CP Fiditour) góp vốn thành lập Công ty Lữ hành Fiditour (gọi tắt là Lữ hành Fiditour), các bên không nên đưa người bên ngoài vào chiếm giữ, kiểm soát, trấn áp như vừa qua.
Chờ phán quyết của tòa án
"Việc làm này, không làm giảm bớt sự tranh chấp mà ngược lại còn làm cho sự việc trở nên căng thẳng hơn và thiếu văn minh, tiềm ẩn nguy cơ về mất an ninh trật tự" - LS Đức nhận xét.
Thực tế, việc HĐQT CP Fiditour ra nghị quyết góp vốn thành lập Lữ hành Fiditour (góp 20% bằng ôtô, trang thiết bị, thương hiệu lữ hành và các quyền tài sản có liên quan đến hoạt động lữ hành...), đúng hay sai, cần phải dựa vào điều lệ của công ty và Luật Doanh nghiệp (DN) để xem xét. Theo LS Đức, nếu điều lệ công ty cho phép HĐQT có thẩm quyền quyết định việc góp vốn thành lập công ty mới với tỉ lệ không thấp hơn 20% giá trị DN theo báo cáo tài chính gần nhất và cuộc họp HĐQT đúng quy định thì việc góp vốn thành lập này là không sai.
Trong trường hợp này, nếu đại hội đồng cổ đông CP Fiditour xét thấy nghị quyết góp vốn thành lập công ty mới gây thiệt hại cho công ty hoặc cho cổ đông công ty thì có quyền xem xét, xử lý đối với các thành viên HĐQT (theo Luật DN). Các thành viên HĐQT phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty (nếu có). Đối với cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục trong thời hạn ít nhất là 1 năm có quyền yêu cầu HĐQT đình chỉ thực hiện nghị quyết.
Theo điều 161 Luật DN, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT nếu thấy vi phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công ty, cổ đông. "Phán quyết của tòa án có thẩm quyền là cơ sở để xác định trách nhiệm dân sự (nếu có) của các thành viên HĐQT liên quan đến việc ban hành nghị quyết góp vốn thành lập Lữ hành Fiditour" - LS Đức nêu quan điểm.
Chuyên gia kinh tế - TS - LS Bùi Quang Tín cho biết hiện có nhiều cơ chế để giải quyết tranh chấp dân sự giữa các DN từ thương lượng, hòa giải với sự hỗ trợ của bên thứ 3 như chính quyền địa phương, công an và chuyên gia pháp lý. Các công ty cũng có thể nhờ trọng tài thương mại giải quyết mâu thuẫn. Nếu vẫn không thành, DN sẽ khiếu kiện ra tòa. Cũng theo các luật sư, trong trường hợp bị gây sức ép, cản trở hoạt động, Lữ hành Fiditour có thể khởi kiện để bảo vệ nhân viên, công ty.
Trụ sở Công ty CP Lữ hành Fiditour trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Thành lập Lữ hành Fiditour đúng quy định
Ngày 13-6, đại diện Lữ hành Fiditour cho biết cơ quan công an đang tiến hành thu thập thông tin, làm việc với 2 công ty liên quan đến việc tranh chấp dân sự, nội bộ gần đây. Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP HCM vừa có văn bản trả lời những kiến nghị của CP Fiditour liên quan đến tranh chấp nội bộ với Lữ hành Fiditour.
Theo đó, sở này khẳng định hồ sơ đăng ký thành lập Lữ hành Fiditour đủ điều kiện theo quy định của Luật DN (trong đó CP Fiditour là cổ đông sáng lập với phần vốn góp 7 tỉ đồng, chiếm 20% vốn điều lệ). Trường hợp CP Fiditour có cơ sở xác định thành viên HĐQT thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao trái với quy định pháp luật, điều lệ công ty hoặc nghị quyết đại hội cổ đông thì có thể khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT. Trình tự, thủ tục khởi kiện theo quy định về tố tụng dân sự. Về địa chỉ trụ sở của Lữ hành Fiditour, Sở KH-ĐT TP cho biết Luật DN và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định người thành lập DN hoặc DN phải nộp hồ sơ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của DN đối với địa chỉ trụ sở của đơn vị cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Trường hợp CP Fiditour có nhu cầu thay đổi địa chỉ trụ sở của Lữ hành Fiditour để thực hiện quyền và nghĩa vụ của cổ đông sáng lập thì cùng với các cổ đông khác gửi hồ sơ thay đổi trụ sở theo quy định.
Trong văn bản trả lời, lãnh đạo Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH-ĐT TP cho biết liên quan đến địa chỉ trụ sở Lữ hành Fiditour ở số 127 Nguyễn Huệ, quận 1, nếu có tranh chấp đề nghị liên hệ cơ quan tòa án để được xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Liên quan đến đề nghị ngăn chặn và từ chối mọi hành vi chuyển quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đối với các nhãn hiệu thuộc sở hữu của CP Fiditour, sở này đề nghị công ty liên hệ Cục Sở hữu trí tuệ để được giải quyết xử lý theo quy định.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, tranh chấp trong quá trình bàn giao mặt bằng giữa 2 công ty ở cùng trụ sở, cùng thương hiệu Fiditour. CP Fiditour thường xuyên cho người lạ mặt, xăm trổ đầy mình, hùng hổ ra vào trụ sở rồi chặn nhân viên của Lữ hành Fiditour để lục túi xách, khám xét giấy tờ, tư trang cá nhân. Hành vi "khủng bố" tinh thần của CP Fiditour đối với cán bộ, nhân viên của Lữ hành Fiditour xuất hiện từ giữa tháng 5 và kéo dài đến nay, sau khi giữa 2 công ty xảy ra tranh chấp. Hiện cả hai bên đã gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng, tòa án nhờ can thiệp.
Khách hàng chịu thiệt
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, cho rằng cùng lúc tồn tại 2 thương hiệu trùng tên "Fiditour", cùng địa điểm kinh doanh, có dấu hiệu cạnh tranh trực tiếp với nhau sẽ ảnh hưởng đến khách hàng. Và tranh chấp của các bên dù có được giải quyết, trong tình huống này, rất khó để khách hàng phân biệt thương hiệu nào mình đã tin cậy.