Hậu quả kinh tế là sẽ làm tiêu tốn 27 tỉ USD/năm và gây thêm căng thẳng cho các hệ thống y tế vốn đã quá tải, nếu các chính phủ không hành động khẩn cấp để khuyến khích mọi người hoạt động thể chất nhiều hơn.
Theo thông cáo báo chí trước đó của WHO dựa trên việc đánh giá dữ liệu từ 194 quốc gia, dưới 50% các nước có chính sách quốc gia về hoạt động thể chất, trong đó dưới 40% chính sách đang hoạt động hiệu quả; chỉ 30% có hướng dẫn cho tất cả các nhóm tuổi, chủ yếu là do thiếu sự quan tâm đến trẻ em dưới 5 tuổi; chỉ hơn 40% quốc gia có tiêu chuẩn thiết kế đường giúp người đi bộ và đi xe đạp an toàn hơn.
Tiêu chuẩn thiết kế đường an toàn hơn cho người đi bộ và xe đạp là một trong các khuyến nghị của WHO. Trong ảnh: Một người đàn ông đạp xe gần mái vòm Hotel des Invalides ở Paris - Pháp Ảnh: REUTERS
"Chúng ta cần nhiều quốc gia mở rộng quy mô chính sách hỗ trợ mọi người vận động hơn. Những lợi ích mang lại là rất lớn, không chỉ đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi cá nhân mà còn cho cả xã hội, môi trường và nền kinh tế" - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.
Chỉ hơn 50% quốc gia đang thực hiện chiến dịch truyền thông hoặc tổ chức các sự kiện cộng đồng khuyến khích hoạt động thể chất trong 2 năm qua. Đại dịch COVID-19 không chỉ làm ngưng trệ các sáng kiến này mà còn ảnh hưởng đến một loạt chính sách giúp ngăn ngừa bệnh không lây khác.
Kế hoạch hành động toàn cầu của WHO về hoạt động thể chất 2018-2030 (GAPPA) đưa ra 20 khuyến nghị về chính sách bao gồm việc tạo ra những "con đường an toàn" để khuyến khích giao thông tích cực (như xe đạp, đi bộ); cung cấp nhiều chương trình và cơ hội hoạt động thể chất ở các cơ sở chăm sóc trẻ em, trường học, nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu, nơi làm việc…
"Báo cáo này đưa ra lời kêu gọi rõ ràng đối với tất cả các quốc gia về hành động mạnh mẽ hơn, tăng tốc và hợp tác tốt hơn để đạt được mục tiêu toàn cầu là giảm 15% tỉ lệ không hoạt động thể chất vào năm 2030" - WHO nói thêm.