Với mức lương 10 triệu/tháng của nhiều chị em công sở hiện nay thì cách tiết kiệm như thế nào là phù hợp mà không để ảnh hưởng tới các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.
Mức lương 10 triệu/tháng là con số không quá lớn nhưng cũng không phải quá nhỏ để ổn định cuộc sống. Đây cũng là mức lương trung bình của đại đa số nhiều chị em công sở hiện nay. Tuy nhiên, với mức lương này nếu không biết cách chi tiêu hợp lý thì cũng như muối bỏ bể, mục tiêu tiết kiệm cũng khó hoàn thành như mong đợi.
Dù là người độc thân hay đã lập gia đình, chị em vẫn đều giống nhau là phải học cách cân đối nguồn tài chính cho hợp lý. Dù vậy, hợp lý trong từng hoàn cảnh phù hợp là như thế nào, cùng tham khảo ngay dưới đây.
Đối với người độc thân
Nhiều chị em vẫn cứ ngỡ cuộc sống độc thân sẽ giúp mình dễ dàng hơn trong vấn đề tiết kiệm. Thế nhưng, thực tế nhiều trường hợp lại chỉ ra điều ngược lại. Rất nhiều người trẻ luôn trong tình trạng rỗng ví để chờ đến kỳ lĩnh lương tiếp theo. Nguyên nhân tới từ việc không kiểm soát được vấn đề chi tiêu, dù lương 10 triệu hay gấp đôi cũng khó để ra được đồng nào.
Khi bạn sống độc thân, lại ở thành phố lớn phải chịu thêm tiền thuê nhà thì với mức lương 10 triệu việc tiết kiệm hợp lý thực sự khó khăn. Lúc này, bạn cần khắt khe với bản thân hơn trong việc lập ngân sách chi tiêu vì các chi phí phải bỏ ra là đắt đỏ.
Đầu tiên, bạn cần chia nhỏ mức lương 10 triệu thành các khoản riêng biệt. Nên tiết kiệm 3 triệu để chuẩn bị cho các dự định phí trước. Rạch ròi từng khoản chi tiêu cụ thể và tuyệt đối không được động tới khoản 3 triệu đã tiết kiệm.
Hãy dành ra khoảng 5 triệu (tức 50% thu nhập) cho các chi phí sinh hoạt bắt buộc như tiền thuê nhà, tiền ăn uống. Dành tiếp 10% cho các chi phí bất ngờ phát sinh như hiếu hỉ, ma chay, quà tặng,...
Sở dĩ phải bỏ 3 triệu trên tổng thu nhập để tiết kiệm cho tương lai vì bạn cần dự trù một nguồn tài chính dành cho các mục đích quan trọng trong cuộc sống. Đó là phòng khi bạn và người thân không may ốm đau, bệnh tật. Hoặc đó sẽ là quỹ dự phòng cho việc kết hôn, đầu tư,...
Nếu bạn sợ chi tiêu vào số tiền dự phòng này thì hãy gửi người quen giữ giúp hoặc chọn hình thức tiết kiệm gửi góp. Mỗi kỳ lĩnh lương hãy trích ra 30% để nộp vào sổ tiết kiệm. Vừa an toàn vừa được sinh lời.
Hiện nay, tất cả các ngân hàng đều đã áp dụng hình thức tiết kiệm gửi góp linh hoạt bằng cách tự chuyển tiền tiết kiệm từ kỳ lương vào tài khoản gửi góp của bạn vào đúng ngày lương mà khách hàng đã đăng ký. Bạn có thể tham khảo các ngân hàng khác nhau để lựa chọn dịch vụ và ngân hàng mình vừa ý.
Đối với người đã lập gia đình
Lương 10 triệu tiết kiệm như thế nào lúc bạn đã có gia đình, gánh nặng tài chính sẽ càng trở nên mệt mỏi hơn. Lúc này, yêu cầu bạn phải nghiêm túc và cẩn trọng trong việc chi tiêu và tiết kiệm. Bạn sẽ có nhiều khoản phải chi tiêu hơn vì bây giờ bạn phải lo cho nhiều hơn chứ không phải là mình bạn như trước.
Nếu sống ở thành phố, lương 10 triệu cho cả gia đình thực sự rất khó khăn nếu không muốn nói là không đủ. Bạn cần tiết kiệm trên tất cả mọi phương diện từ ăn uống cho đến sinh hoạt hàng ngày, quần áo và cả xăng xe, điện thoại. Chỉ nên mua những vật dụng thực sự cần thiết, quan trọng và có thể dùng lâu dài. Hạn chế việc chạy theo xu thế vì chỉ cần một lần chi tiêu quá tay, cả gia đình sẽ phải “nhịn” cả tháng.
Mức thu nhập có thể chia nhỏ ra như sau:
1. Tiền ăn: 4 triệu
2. Tiền sữa cho con: 700.000 đồng
3. Tiền ăn vặt, tã bỉm của con: 400 ngàn đồng
4. Điện nước: 400 ngàn đồng
5. Tiền xăng xe: 200 ngàn đồng
6. Tiền điện thoại: 200 ngàn đồng
7. Tiền chi tiêu sinh hoạt: 200 ngàn đồng
8. Tiền hiếu hỷ: 500 ngàn đồng
9. Tiền thuốc thang: 300 ngàn đồng
Lưu ý, luôn đặt vấn đề chất lượng dinh dưỡng lên trên hết, đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình. Bên cạnh việc đó, tìm kiếm và nghĩ cách để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống tốt hơn. Khi thu nhập gia đình tăng lên, hãy để mức chi tiêu và việc tiết kiệm dễ thở hơn một chút. Bạn hãy nới lỏng mỗi thứ thêm một ít so với lúc trước.
Nu Nu