Là người chi tiêu có kế hoạch và biết chắt chiu từng đồng nên dù đang trải qua những ngày khó khăn, Lan vẫn luôn tự chủ được tài chính của mình.
Phương Lan, 27 tuổi quê Nghệ An vào TP.HCM lập nghiệp đã 4 năm. Cô đang thuê trọ ở quận 10, Gò Vấp.
Lan chia sẻ, vì sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên ngay từ nhỏ cô đã được bố mẹ dạy phải biết chi tiêu tiết kiệm, trân trọng những đồng tiền do mình kiếm ra.
Khi thi đậu đại học, chỉ duy nhất năm đầu là Lan cần bố mẹ cho tiền ăn học. Từ năm thứ hai, cô tự đi làm thêm để đóng học phí và trang trải cuộc sống ở thành phố. Lan cho hay, ngay thời sinh viên, đi làm thêm cô đã có ý thức tiết kiệm. Mặc dù khi ấy, đồng lương không cao nhưng mỗi tháng cô đều dành ra vài trăm bỏ lợn đất, đề phòng những khi cấp bách cần tiền.
Sau khi vào TP.HCM lập nghiệp, với mức lương 12 triệu đồng/tháng, Lan quy định rõ chỉ tiêu 40% thu nhập, còn lại để tích lũy.
Với mức lương 12 triệu đồng/tháng, Lan quy định rõ chỉ tiêu 40% thu nhập, còn lại để tích lũy (Ảnh minh họa) |
Hàng tháng nhận lương, Lan rút ra 4,8 triệu đồng để chi tiêu, còn lại 7,2 triệu đồng cô để tích lũy. Vì khoản tiền tiết kiệm mỗi tháng không nhiều, gửi ngân hàng lời lãi chẳng được bao nhiêu nên cô quyết định tháng nào cũng mua 1 đến 2 chỉ vàng tích lũy.
Lan kể, vì cô ở trọ, an ninh không được đảm bảo nên thay vì mua vàng mang về tích trữ, cô chọn mua vàng online của một ngân hàng lớn, uy tín. Cô lập một tài khoản trữ vàng trong ngân hàng để tích lũy dần. Hàng ngày, Lan theo dõi giá vàng lên xuống ra sao để mua vào bán ra với ngân hàng qua mạng, vừa nhanh vừa chủ động, lại an toàn.
“Năm 2018, giá vàng dao động ở mức 36 đến 37 triệu đồng/lượng, mỗi tháng mình mua được 2 chỉ vàng, thiếu một chút tiền mình trích từ khoản chi tiêu hàng ngày ra để bù vào. Khi vàng lên cao hơn, mỗi tháng mình chỉ mua 1 chỉ, khoản dư ra mình dồn lại cho tháng sau mua lên thành tròn 2 chỉ. Hàng ngày, mình theo dõi giá vàng, nếu lên là mình bán luôn để lấy tiền chênh lệch, vàng xuống lại mua vào.
Tài khoản tích lũy vàng đó tuyệt đối không bao giờ mình tiêu vào mà coi đó là một kênh đầu tư, quản lý một cách nghiêm khắc nhất có thể”, Lan cho hay.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 5/2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty Lan buộc phải cho nhân viên tạm thời nghỉ việc không lương. Chưa tìm được việc mới, Sài Gòn lại thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên Lan không có nguồn thu nhập nào.
“Hoàn cảnh khó khăn chung, mình ở yên trong nhà chống dịch. Lúc này, không còn nguồn thu nhập nào khác, mình buộc phải bán vàng để sinh sống. Thật may, đúng thời điểm này, giá vàng lại lên khá cao. Vì giao dịch trực tuyến với ngân hàng nên thao thác rất đơn giản lại an toàn, không cần phải đi lại”, Lan nói.
Cô gái trẻ chia sẻ, trong 4 năm đi làm, cô tích lũy được tổng cộng 7 cây vàng. Từ hôm nghỉ dịch, Lan đã bán ra 4 chỉ để trang trải cuộc sống. So với thời điểm mua vàng dự trữ, giờ bán ra, cô lời được khá nhiều.
“Vì phải tiêu vào tài khoản tích lũy nên mình cũng điều chỉnh lại bảng chi tiêu hàng ngày. Nếu trước đây, mỗi tháng mình tiêu từ 4,5-4,8 triệu đồng thì giờ mình chỉ tiêu khoảng 3 triệu. Do không ra ngoài nên những khoản tiền xăng xe, cà phê, đi ăn, xem phim với bạn là mình cắt giảm được. Mình cũng nói không với quần áo, mỹ phẩm, chỉ chi tiền vào 3 khoản chính là thuê trọ, ăn uống và sức khỏe. Ngoài ra, mỗi tháng mình gửi về biếu bố mẹ 1,5 triệu đồng.
Có rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện tại mình mới thấy, khi còn khỏe mạnh, còn kiếm được tiền, luôn phải để dành ra một khoản, đề phòng những khi rủi ro vì cuộc sống không thể nói trước được điều gì. Cũng may nhờ đã chuẩn bị tài chính nên trước mắt, nếu chẳng may dịch bệnh kéo dài thì mình không quá lo về kinh tế”, cô gái trẻ tâm sự.
Thu Giang