Đây là thông tin được đưa ra tại toạ đàm “Hành trình vươn ra biển lớn” do Trường Cao đẳng Hàng Hải II thuộc Cục Hàng hải – Bộ Giao thông vận tải tổ chức ngày 16/11 tại TP.HCM. Toạ đàm có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, các chuyên gia và sinh viên đang học các ngành về vận tải biển.
Doanh nghiệp phải thuê lao động nước ngoài để hoạt động
Tại toạ đàm, các doanh nghiệp vận tải nêu một thực tế là hiện nay, ngành hàng hải, vận tải biển đang rất "khát" lao động. Hiện nay mức đãi ngộ cho thuyền viên mới khá cao nhưng không tìm đâu ra người. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, vấn đề nhân lực cho ngành hàng hải lại càng trở nên “đau đầu” với các doanh nghiệp. Để duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã phải thuê nhân sự nước ngoài.
Cụ thể như Công ty cổ phần dịch vụ vận tải Hưng Phát, đang quản lý 25 tàu chở dầu thô, hoá chất, gas lạnh…với những tàu có tải trọng lên đến 320.000 tấn hiện phải sử dụng nhiều lao động nước ngoài với mức lương cao dù trình độ không hơn mấy những lao động trong nước.
“Các doanh nghiệp đang trong tình trạng "ăn vay" từng bữa rất khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực. Phần lớn bây giờ phải nhờ vào một số công ty vệ tinh với thuê nhân lực Singapore. Chi phí lương lên đến 1,5 cho đến 2 lần so với thuê thuyền viên Việt Nam, trong khi gần như là trình độ của họ thì thì cũng chỉ là hơn chúng ta được chút về tiếng Anh thôi”, ông Phạm Minh Chiến, Trưởng phòng Thuyền viên của Công ty Hưng Phát nói.
Mong muốn tạo thương hiệu hàng hải Việt Nam
Giải đáp các thắc mắc của các sinh viên về nghề nghiệp, chế độ ưu đãi, cơ hội nâng cao nghiệp vụ, những yêu cầu của các doanh nghiệp để an tâm theo đuổi đam mê…, các doanh nghiệp hàng hải tại tọa đàm cho biết hiện nay, chỉ cần các sinh viên ra trường và có cam kết gắn bó thì sẽ được những khoản thưởng, được bố trí đào tạo, nâng cao nghiệp vụ và có cơ hội thăng tiến. Sau đào tạo ngắn hạn, bắt đầu đi tàu có thể có mức lương khởi điểm khoảng 18 triệu đồng/tháng, sau 6 năm lên trên 70 triệu đồng/tháng và sau 10 năm có thể là 10.000 USD/tháng.
“Ngành hàng hải là một ngành lao động có giá trị gia tăng được chứng minh trong COVID-19 này rất là mạnh mẽ. Cụ thể rất nhiều ngành nghề là giảm lương, mất thu nhập, mất công ăn việc làm; riêng ngành hàng hải trong 2 năm COVID-19 lương tăng khoảng gần 50%”, ông Võ Lê Anh Dũng, Trưởng phòng thuyền viên, Công ty cổ phần vận tải biển và hợp tác lao động quốc tế (ILACO SAIGON) cho hay.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực hàng hải, việc sử dụng nguồn nhân lực trẻ trong nước cũng là một yếu tố quan trọng nhằm hiện thực hóa khát vọng tạo nên dấu ấn của ngành hàng hải Việt Nam.
“Mong mỏi, khao khát của chúng tôi là sau này là sẽ tạo dựng nên một lớp nhân sự về ngành hàng hải và đi đến đâu chăng nữa thì khi mà có bóng dáng đồng phục của các bạn ở trên đường phố là người ta lập tức nhận ra là đấy là những thuyền viên Việt Nam”, ông Võ Lê Anh Dũng, Trưởng phòng thuyền viên, Công ty cổ phần vận tải biển và hợp tác lao động quốc tế (ILACO SAIGON) bày tỏ.
Việt Nam có hơn 3.000 km bờ biển và khoảng 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế, lại nằm trên hành lang vận tải Đông - Tây nên rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển.
Theo Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 về kinh tế biển là “Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước” và về tầm nhìn đến năm 2045 là “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Do đó, việc đầu tư phát triển nhân lực cho ngành hàng hải là rất quan trọng. Hiện Cục Hàng hải Việt Nam đã kiến nghị nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi hơn cho việc đào tạo nguồn nhân lực đặc thù này. Đó là tăng cường đầu tư cho các cơ sở đào tạo đủ mạnh về lượng và chất để đảm đương trọng trách cung cấp nhân lực cho đội tàu biển quốc gia. Đồng thời có các chính sách ngoại giao để mở rộng hợp tác quốc tế với các quốc gia hàng hải mạnh, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ trong khâu đào tạo và sử dụng thuyền viên./.