Dù tiền ai người nấy giữ và mỗi tháng góp chi tiêu chung những khoản cố định, nhưng cặp vợ chồng trẻ này đã cùng nhau tiết kiệm được 1 khoản đủ để mua chiếc ô tô trả góp gần nửa tỷ đồng.
Vợ chồng chị Trần Thị Hạnh và anh Đỗ Văn Triển ở Ba La, Hà Đông (Hà Nội) mới cưới nhau được 2 năm. Anh chị đã có nhà riêng và con nhỏ 1 tuổi. Anh Triển là nhân viên một công ty điện nước, thu nhập 14 triệu đồng. Còn chị Hạnh làm kế toán một công ty tư nhân, thu nhập 13 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập hàng tháng của vợ chồng chị Hạnh là 27 triệu đồng.
Khác với những vợ chồng trẻ khác, chồng phải đưa hết lương lậu cho vợ giữ thì ngay từ sau cưới, vợ chồng chị Hạnh đã cùng bàn bạc, thống nhất tiền ai nấy giữ, tiền ai nấy tiêu. Cả hai chỉ cần có trách nhiệm cùng nhau đóng góp những khoản chi tiêu chung của gia đình là được.
“Ở nhà mình hay nhà chồng, mình vẫn thấy người quản lý hết tiền bạc gia đình là người phụ nữ. Nhưng ở nhà mình, vợ chồng cùng thống nhất, tiền ai nấy giữ và tự chi... Chỉ cần cả hai phải thành thật với nhau về tài chính của mỗi người như lương, thưởng, làm thêm... Nói chung, quản lý tiền bạc của vợ chồng thế nào cũng được, miễn là cả hai cảm thấy thoải mái, tiện lợi và hạnh phúc với điều ấy”, chị Hạnh nói.
Vợ chồng chị Hạnh thống nhất tiền ai nấy giữ (ảnh minh họa) |
Để thực hiện cách chi tiêu trên, vào mùng 1 đầu tháng, vợ chồng chị thống nhất sẽ góp các khoản chi tiêu và cùng lập một bản chi tiêu trong tháng đó.
“Mình lấy lương ngày 28 hàng tháng, còn anh xã lấy lương ngày 30. Vì thế, ngày mùng 1 đầu tiên của tháng, cả hai sẽ phải có trách nhiệm tự nộp tiền chi tiêu trong tháng đó. Số tiền này luôn phải đều nhau hoặc vợ chồng có nhỉnh hơn chút cũng không quan trọng. Sau đó, chúng mình cùng lập một bảng kế hoạch chi tiêu trong tháng, nếu thấy trước các khoản phát sinh”.
Cụ thể, với thu nhập 27 triệu/tháng, vợ chồng chị Hạnh thường phân chia các khoản chi tiêu gia đình như sau, mỗi người góp một nửa:
- Tiền chi tiêu ăn uống hàng ngày: 6 triệu đồng.
- Tiền bỉm sữa, ăn dặm cho bé: 3 triệu đồng.
- Tiền điện nước: 1 triệu đồng.
Bình thường, tiền điện nước nhà chị Hạnh chỉ hết chừng đó là dùng thoải mái. Song, vào mùa hè, có tháng tiền điện hết nhiều hơn. Nếu tiền điện tăng, vợ chồng chị sẽ cùng chia mỗi người một nửa tiền để đóng.
- Tiền biếu bà ngoại trông cháu: 2 triệu đồng
Mỗi tháng, vợ chồng chị Hạnh sẽ trích một số tiền nhỏ để biếu thêm bà ngoại vì bà đang lên trông đỡ cháu nhỏ. Dù bà không lấy tiền của các con nhưng cả hai vẫn góp một khoản như vậy để khi bà về quê sẽ lấy số tiền này ra biếu mẹ.
Hoặc, phòng khi hai bên ông bà có công việc gì cần phải đưa tiền hỗ trợ, vợ chồng chị Hạnh cũng thẳng thắn bàn bạc để đóng số tiền hợp lý. Sau đó thì góp chung.
- Tiền chi tiêu cá nhân: 2 triệu
Vì có con nhỏ và bận công việc nên hàng ngày, vợ chồng chị Hạnh rất ít khi chi tiêu bên ngoài. Tuy nhiên, anh chị vẫn dự phòng các khoản chi tiêu lặt vặt của bản thân để cả hai cảm thấy thoải mái nhất. Nếu tiền này không dùng đến, vợ chồng trẻ sẽ gom vào quỹ biếu ông bà nội ngoại.
- Tiền đóng bảo hiểm nhân thọ: 2 triệu.
- Tiền tiết kiệm mua ô tô: 10 triệu.
Nhờ đó, anh chị đã tiết kiệm đủ tiền mua ô tô (ảnh minh họa) |
Vì nhà đã có sẵn, quê lại xa nên vợ chồng tôi quyết định để dành tiền tiết kiệm mua ô tô để tiện đi lại và về quê có việc bất cứ lúc nào.
- Tiền tiết kiệm riêng: Không giới hạn
Số tiền còn lại + tiền kiếm được từ việc làm thêm của hai vợ chồng sẽ được để dành tiết kiệm, tùy thu nhập. Mỗi người có thể tùy ý sử dụng tiền tiết kiệm riêng này vào những dự định cá nhân của mình như biếu người thân, bạn bè, mua sắm đồ mình thích hoặc tự tiết kiệm làm quỹ phòng thân...
Riêng phần lương thưởng cuối năm hay các khoản được người thân cho, vợ chồng trẻ này cũng tiết kiệm theo hình thức góp mỗi người một nửa.
Với cách chi tiêu như vậy, tổng chi tiêu chung của vợ chồng trẻ này một tháng hết 26 triệu đồng. “Để có tiền tiết kiệm riêng, vợ chồng mình còn nhận làm thêm. Nhờ đó, mỗi người cũng có thêm ít nhất 3 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, nếu hai vợ chồng tích cực làm cũng có 6 triệu đồng. Một năm cũng tiết kiệm được 72 triệu. Cả hai không ai giấu ai, đều công khai. Tiền này thích giữ riêng thì giữ, nhưng vợ chồng mình đều sung quỹ để sớm mua ô tô”.
Tính ra, trong hai năm, vợ chồng trẻ tiết kiệm được 240 triệu từ số tiền để dành mua ô tô hàng tháng. Ngoài ra, tất cả tiền làm thêm trong hai năm dồn vào cũng có thêm 144 triệu đồng. Tổng tiền để dành mua ô tô là 384 triệu đồng.
Cộng với 100 triệu tiết kiệm được sau cưới, anh chị có 484 triệu đồng. Với số tiền này, vợ chồng chị Hạnh đủ mua một chiếc ô tô mới.
Chia sẻ về dự định chi tiêu sắp tới của mình, người phụ nữ này khẳng định, họ sẽ vẫn giữ cách chi tiêu như thế vì cả hai đều thấy thoải mái. Thỉnh thoảng, họ sẽ ngồi lại để cùng kiểm tra những khoản chi tiêu chung. Khoản nào lãng phí sẽ điều chỉnh lại sao cho phù hợp.
Thảo Nguyên