Mức hưởng lương hưu chênh lệch nhau hàng chục triệu đồng lại vừa được nhắc lại trong hội thảo Cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) – kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam mới đây.
Lương hưu kẻ khóc người cười là vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua, khởi nguồn từ chuyện cô giáo mầm non Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh sau 35 năm đi dạy, trong đó 22 năm 8 tháng đóng bảo hiểm xã hội nhận được lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng. Cô Lan không phải trường hợp cá biệt. Ở Hà Tĩnh, theo xác nhận của bà Nguyễn Thị Hồng Lam, Trưởng phòng chế độ, BHXH tỉnh là đã chi trả cho 270 giáo viên mầm non mức lương hưu tương tự, tính đến năm 2016.
Cùng thời điểm, tương phản với mức 1,3 triệu đồng, BHXH Việt Nam đã công bố thông tin về người được hưởng mức lương hưu cao nhất là 100 triệu đồng, sau 23 năm 3 tháng đóng. Nguyên nhân vì trước 1/1/2007, do luật không khống chế trần lương làm căn cứ nên người này đã đóng bảo hiểm trên nền lương rất cao, có giai đoạn lên đến 249 triệu đồng. Khi bị khống chế trần, mức đóng bảo hiểm dao động từ 9 – 23 triệu đồng/ tháng.
Mức chi trả lương hưu như vậy, theo ông Nguyễn Quang Đồng BHXH Việt Nam đã làm đúng quy trình. Vì nguyên tắc mọi quỹ bảo hiểm là người đóng nhiều hưởng nhiều, người đóng ít hưởng ít. Bản chất của BHXH nên được hiểu là quỹ an sinh chứ không phải quỹ đền bù rủi ro, thiệt hại, có năng lực giải quyết phân tầng thu nhập. Ông Đồng cũng nhấn mạnh không nên cào bằng BHXH vì nó sẽ ảnh hưởng đến người tham gia đóng góp cho quỹ, đồng thời, việc giải quyết bất bình đẳng, phải cần có cơ chế khác.
Tuy nhiên, đằng sau những quy trình đúng như vậy, BHXH vẫn còn nhiều vấn đề nghiêm trọng cần phải giải quyết. Trong đó, nếu giải quyết được thì thu nhập lúc về hưu của người đóng quỹ chắc chắn được cải thiện, theo ông Nguyễn Quang Đồng.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết Quỹ BHXH Việt Nam sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2021, buộc phải lấy kết dư chi trả và sẽ cạn vốn vào năm 2034, dẫn đến khả năng vỡ quỹ. Ngân hàng Thế giới cũng đồng thuận kết quả này sau khi tính toán. Và thậm chí quỹ BHXH Việt Nam cũng đã thừa nhận đang bị mất cân đối.
Nguyên nhân, như ông Đồng phân tích là tỷ lệ thu quá thấp so với mức chi của BHXH.
Theo con số được lãnh đạo BHXH đưa ra gần đây, Việt Nam đang có khoảng 11,2 triệu người hưởng BHXH hàng tháng. Đến năm 2030 dự kiến có thêm 5,4 triệu người và đến năm 2050 sẽ tăng thêm 10 triệu người nữa.
Độ tuổi nghỉ hưu hiện tại là 57 tuổi nhưng thực tế lại ghi nhận con số nhỏ hơn, chỉ là 54 tuổi. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của người Việt lại là 78. Như vậy, thời gian thị hưởng bảo hiểm rất dài.
Ông Đồng cho biết để tránh vỡ quỹ, giải pháp thông thường được cơ quan BHXH nghĩ ra là tìm cách tăng người đóng và kéo dài tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, điều đó là khá khó khăn vì người dân mất lòng tin vào quỹ.
Thực tế cho thấy trong thời gian qua, trung bình mỗi năm có từ 600.000 – 700.000 người nhận BHXH một lần và xu hướng cho thấy điều này sẽ còn gia tăng. Vì thế, số người đóng BHXH sẽ chỉ quanh quẩn mức 13 triệu, thậm chí còn giảm trong tương lai.
Cạnh đó, kéo dài tuổi hưu cũng không dễ. Khi niềm tin vào quỹ bấp bênh, thuyết phục người dân bỏ tiền vào quỹ, trong khoảng thời gian dài là càng khó khăn.
Ông Đồng nói rằng gốc rễ trong việc sụt giảm niềm tin BHXH Việt Nam cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Nguyên nhân là tính minh bạch và hiệu quả quản lý quỹ của cơ quan này đang được nhìn nhận là có vấn đề.
Theo đó, người dân dù đóng tiền vào quỹ nhưng lại không biết đường đi của dòng tiền, không biết tiền được sử dụng vào mục đích gì, tiền trong quỹ đang như thế nào.
Ông Đồng nhấn mạnh rằng báo cáo kiểm toán của một Quỹ - vốn là tài sản của hàng chục triệu người lao động; nhưng lại không hề công hề công khai. Do đó, rất nhiều câu hỏi nhưng người dân không được giải đáp.
Số liệu của World Bank còn ghi nhận chi phí quản lý quỹ BHXH Việt Nam đang ở mức khá cao. Theo đó, biên độ dao động cho cho chỉ số chi nhân viên trong tổng chi hoạt động lên đến 68% tổng chi thường xuyên (năm 2012). Hiện trạng đó sẽ “ăn” vào phần chi trả lương hưu cho người đóng.
Vị chuyên gia này cho rằng việc gia tăng mức đóng BHXH (đóng trên tổng thu nhập) như đề xuất của BHXH chỉ là biện pháp tạm thời, không bền vững. Theo đó, xét đến cùng cần phải xem lại cách quản lý quỹ, trong đó, minh bạch hoá thu, chi của quỹ thông qua việc công bố báo cáo tài chính hàng năm.
Ông Đồng khuyến nghị việc BHXH có thể áp dụng việc sử dụng tài khoản cá nhân trong hệ thống, như một dạng sổ song song với sổ giấy, cho phép người đóng biết được tình hình mức đóng của mình.
Việc minh bạch tài chính, theo ông sẽ là cách khắc phục niềm tin, huy động thêm được người đóng mới cũng như thuyết phục được người lao động kéo dài số năm đóng. BHXH cũng cần tinh giản bộ máy hành chính, giảm chi thường xuyên.
Cạnh đó, Việt Nam cũng nên giống như các quốc gia khác khi tính đến phương án mở thầu cho tư nhân tham gia vào một số công đoạn của quản lý. Ví dụ như việc thu và chi trả, nếu “thuê ngoài” (contracting-out) cho các đơn vị tư nhân khác làm như vậy chi phí chắc chắn sẽ giảm xuống. Và với phần chi phí tiết kiệm được, sẽ phần nào chi trả được lương hưu cho người đóng.
Đối với trường hợp chênh lệch mức đóng như thực tế cho thấy, ông Đồng cho rằng có thể tính đến việc xây dựng một quỹ hỗ trợ, hoạt động song song với BHXH. Theo đó, quỹ sẽ chọn lọc hỗ trợ tương ứng với mức thụ hưởng nhằm giúp đỡ những người được hưởng lương hưu rất thấp. Ở cách nước, đó là hình thức quỹ chi bù (top – up). Tiền cho quỹ này có thể lấy từ việc tiết kiệm những khoản chi thường xuyên bất hợp lý.