Thông tin nêu trên vừa được ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel chia sẻ với báo chí, bên lề sự kiện khai mạc vòng sơ khảo cuộc thi “Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2019” khu vực miền Bắc vào ngày 3/11 vừa qua.
Ông Tuấn cũng cho biết, định hướng là một tập đoàn công nghệ tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Viettel nhận thức rõ 4.0 thực thi được hay không thì không thể thiếu an toàn, an ninh mạng. Công nghiệp an ninh mạng đã được Viettel xác định là 1 trong 5 trụ cột của của tập đoàn những năm tới.
Theo ông Tuấn, hiện nay có rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, an toàn thông tin có các chính sách tuyển dụng tốt đối với nguồn nhân lực an toàn thông tin chất lượng cao.
Với lĩnh vực an toàn thông tin mạng, tập đoàn Viettel cũng có chính sách ưu tiên cho các bạn sinh viên năm thứ ba, thứ tư tham gia các cuộc thi như “Sinh viên với An toàn thông tin” có cơ hội được vào thực tập ở Viettel; được tổ chức đào tạo thêm, định hướng tham gia các ngành hẹp hơn như về mã độc hay nghiên cứu ứng dụng. Để khi ra trường, cùng với kiến thức được trang bị trong trường và những kết quả thu được trong quá trình thực tập tại Viettel làm nền tảng, các sinh viên có thể làm việc được ngay, có thu nhập tốt và trở thành những nhân sự “key” của ngành an toàn thông tin.
Đại diện Công ty An ninh mạng Viettel cũng chia sẻ thêm, thực tế nguồn nhân lực an toàn thông tin đang thiếu rất nhiều và các tổ chức, doanh nghiệp đều sẵn sàng mạnh tay để có được nhân lực trình độ cao, đáp ứng nhu cầu công việc của đơn vị mình.
“Hiện nhân sự có chuyên môn tốt trong ngành an toàn thông tin đang có mức lương từ khoảng 1.500 USD (khoảng 34,5 triệu đồng/tháng) đến 3.000 USD/tháng (khoảng 69 triệu đồng/tháng). Và thậm chí một sinh viên mới ra trường có năng lực tốt có thể nhận được mức lương 1.500 USD/tháng”, đại diện Công ty An ninh mạng Viettel thông tin.
Trong chia sẻ với ICTnews hồi giữa tháng 9/2019 nhân sự kiện Diễn đàn An toàn thông tin mạng - Security Bootcamp 2019 chủ đề “Cyber Security Revolution” (Cuộc cách mạng về an ninh mạng) do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển Huế tổ chức, Tổng thư ký VIA Vũ Thế Bình đã nhận định: “Một thách thức từ lâu đối với ngành đảm bảo an toàn an ninh mạng của Việt Nam là sự thiếu hụt nguồn nhân lực. Đây là một ngành có tính đặc thù, tính chuyên gia rất cao, và hiện tại rất thiếu về chất và lượng, đồng thời chúng ta còn có nguy cơ bị chảy máu chất xám ra các nước phát triển hơn”.
Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT cho hay, Việt Nam là một trong những nước sớm trong khu vực Đông Nam Á quan tâm đến việc đào tạo kỹ sư, cử nhân về an toàn, an ninh mạng và sớm có chuyên ngành riêng đào tạo kỹ sư, cử nhân trong lĩnh vực này từ năm 2015. Hiện nay, hàng năm các cơ sở đào tạo của Việt Nam tuyển sinh và cho ra trường khoảng 2.000 lượt sinh viên, kỹ sư, cử nhân chất lượng cao trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng. “Có thể nói chất lượng, số lượng nguồn nhân lượng về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam đã và đang không ngừng được gia tăng”, đại diện Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.
Trong trao đổi với ICTnews hồi tháng 7, thời điểm mùa tuyển sinh đại học năm 2019 đang diễn ra, đại diện lãnh đạo các cơ sở đào tạo CNTT, An toàn thông tin lớn trong cả nước như Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Đại học FPT… đều có chung nhận định trong vài năm trở lại đây sức hút của các ngành CNTT, An toàn thông tin ngày càng gia tăng mạnh. Các nguyên nhân đưa đến nhu cầu nhân lực CNTT, an toàn thông tin tăng cao thời gian qua được lý giải là do nhu cầu chuyển đổi số đang trở thành xu hướng toàn cầu cũng như sự chuyển hướng sang mảng công nghệ của một số doanh nghiệp lớn trong nước.
Các chuyên gia cũng dự đoán rằng, các nhân lực CNTT được đào tạo chuyên sâu trong những chuyên ngành hẹp, đang có nhu cầu phát triển lớn như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, an toàn thông tin… sẽ có triển vọng nghề nghiệp tốt, có được mức thu nhập cao trong thời gian tới.
Trên thực tế, với riêng lĩnh vực an toàn thông tin, vài năm trở lại, hình thức tuyển dụng thực tập sinh từ sinh viên năm thứ ba, thứ tư của các trường uy tín trong đào tạo CNTT, an toàn thông tin như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông… đã được hàng loạt doanh nghiệp như Viettel, VNPT, Bkav, VNCS, CyStack... áp dụng. Mô hình này không chỉ mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên an toàn thông tin sớm được tiếp cận với thực tế công việc tại doanh nghiệp mà còn được các doanh nghiệp đánh giá là là một giải pháp hữu hiệu để gia tăng đội ngũ nhân sự an toàn thông tin chất lượng cao của đơn vị mình.