Số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế tăng 2,59% trong tháng 1, tương đương cung tiền đã mở rộng thêm 346.643 tỷ đồng. Con số này gấp gần 3,8 lần quy mô cung tiền tăng thêm trong tháng 1/2021.
Trong đó, lượng tiền mặt trong lưu thông tăng hơn 20%, tương đương mở rộng thêm 307.410 tỷ đồng. Qua đó, kéo tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán tăng từ 11,34% vào cuối năm 2021 lên 13,29%, cao nhất kể từ tháng 1/2019.
Tiền mặt trong lưu thông tăng đột biến vào tháng đầu năm một phần có thể lý giải từ yếu tố mùa vụ khi nhu cầu chi tiêu, thanh toán của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Và thực tế, tỷ trọng tiền mặt cũng thường tăng mạnh trong tháng 1 các năm trước và giảm dần vào những tháng tiếp theo.
Nguồn: SBV
Không chỉ tiền mặt, lượng tiền gửi vào các tổ chức tín dụng cũng tăng hơn 0,3% trong tháng 1, trái ngược với xu hướng giảm của năm 2021. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 1,2% trong tháng 1, trái lại tiền gửi của khu vực dân cư có sự phục hồi với mức tăng 1,9%.
Xét về quy mô, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm hơn 68.000 tỷ đồng, chủ yếu thể hiện tính mùa vụ khi doanh nghiệp rút tiền để thực hiện chi trả lương thưởng cho lao động trước tết Nguyên Đán. Ngược lại, tiền gửi của người dân tăng hơn 103.000 tỷ đồng, đây cũng là tháng người dân gửi ròng tiền vào ngân hàng nhiều nhất trong 10 tháng trở lại đây.
Trước đó, trong năm ngoái, dưới tác động của dịch bệnh và môi trường lãi suất thấp, tiền gửi của dân cư tăng trưởng "èo uột", không có tháng nào tăng nổi 1%. Thậm chí, trong quý 3/2021, khi loạt tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, người dân đã liên tục rút ròng tiền gửi từ ngân hàng trong nhiều tháng.
Tính chung trong tháng 1, lượng tiền gửi vào các tổ chức tín dụng đã tăng thêm gần 35.000 tỷ đồng.
Cả tiền gửi và tiền mặt trong lưu thông đều mở rộng trong tháng 1 đã giúp tốc độ tăng trưởng cung tiền lần đầu tiên vượt tốc độ tăng tín dụng (2,49%) kể từ tháng 2/2021. Xét về số tuyệt đối, cung tiền tăng cao hơn tín dụng khoảng 87.000 tỷ đồng.
Theo giới phân tích, việc cung tiền mở rộng mạnh trong bối cảnh sức ép lạm phát gia tăng khiến dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ bị thu hẹp.
''Hiện tại, lạm phát đang là rủi ro lớn nhất của chính sách tiền tệ, diễn biến cung tiền và tín dụng cần được theo dõi sát trong thời gian tới nhằm đảm bảo lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát'', Chứng khoán Rồng Việt đánh giá.
Trong khi đó, Chứng khoán VnDirect cho rằng NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất là cuối quý 2/2022 do (1) Mặc dù áp lực lạm phát dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng tới, nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân hai tháng đầu năm vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 4%, (2) sức cầu trong nước vẫn tương đối yếu, chưa phục hồi hoàn toàn về mức bình thường trước đại dịch, (3) NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Mặc dù không cho rằng NHNN sẽ cắt giảm thêm các lãi suất chính sách chủ chốt của mình, nhưng VnDirect cũng tin rằng NHNN sẽ không nâng lãi suất này điều hành trong 6 tháng đầu năm nay, nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
VnDirect dự báo NHNN sẽ hỗ trợ thị trường thông qua hoạt động như bơm thanh khoản tiền đồng, mua vào ngoại hối hay nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Theo đó, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 14% năm 2022.