Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội về Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu (LTT) giờ đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo dự thảo, mức LTT giờ quy định theo 4 vùng gồm: Vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ. Theo Ban Soạn thảo, mức LTT giờ sẽ mở rộng độ bao phủ và tăng tính bảo vệ của LTT đối với các nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Độ chênh lớn
Tại TP HCM, sau giờ tan ca, nhiều NLĐ đi làm thêm các công việc như bán hàng, phục vụ… để cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, thù lao nhận được từ công việc tay trái này rất thấp, do vậy, theo số đông NLĐ, việc quy định mức LTT giờ là rất cần thiết.
Những lúc rảnh rỗi, chị Nguyễn Thị Bông, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân), thường đi phục vụ tiệc cưới tại các nhà hàng. Với một ca làm việc kéo dài từ 4,5 - 6 giờ, chị được trả 100.000 đồng, tức từ 16.000-22.000 đồng/giờ, tương đương với mức Bộ LĐ-TB-XH đề xuất. "Mức lương này không xứng với công sức bỏ ra nhưng tôi chấp nhận làm vì đây là khoản thu nhập kiếm thêm" - chị Bông chia sẻ.
Với sinh viên Hồ Phước Hữu (quê Đồng Tháp), mức LTT giờ như đề xuất cao hơn tiền lương phụ việc ở quán cà phê (khoảng 20.000 đồng/giờ). Nếu làm từ 6-8 giờ/ngày, Phước kiếm được từ 120.000-160.000. "Trừ tiền ăn, chi phí xăng xe, mỗi tháng em còn lại khoảng 2 triệu đồng, trả tiền nhà trọ là hết. Em mong mức LTT giờ được đề xuất sẽ cao hơn để sinh viên có thêm chi phí trang trải sinh hoạt" - Hữu mong mỏi.
Trong khi đó, chị Tô Thị Thanh (quận Gò Vấp, TP HCM) làm nghề giúp việc nhà theo giờ cho biết mức lương thực tế chị nhận cao hơn gấp 2, 3 lần mức được Bộ LĐ-TB-XH đề xuất.
Cụ thể, với gói làm việc gồm lau nhà cửa, toilet, phơi - ủi quần áo khoảng 3 giờ/ngày (3 lần/tuần), chị Thanh được trả công 2,5 triệu đồng/tháng, khoảng 70.000 đồng/giờ. Nếu chỉ lau dọn nhà thì được trả khoảng 50.000 đồng/giờ. Do công việc vất vả, tốn sức nên mỗi tháng chị chỉ có thể làm cho 3-4 nhà, thu nhập khoảng 7-10 triệu đồng/tháng.
Chưa phù hợp với mặt bằng giá cả
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, đối tượng được trả lương theo giờ không chỉ ở khu vực phi chính thức mà có cả trong khu vực có quan hệ lao động nhưng không làm việc theo tháng mà chỉ thỏa thuận làm việc theo giờ. Hiện nay, mức lương người làm việc theo giờ đang được nhận ước khoảng 18.000-23.000 đồng/giờ - khá thấp so với mặt bằng giá cả hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Quảng, cũng có những trường hợp được trả lương theo giờ cao như: giúp việc nhà, trông trẻ, tư vấn kỹ thuật... với mức 50.000-150.000 đồng/giờ. "Do tăng trưởng kinh tế và áp lực lạm phát, Chính phủ có thể tính toán đưa ra quy định mức LTT trả theo giờ phải là 20.000 đồng hoặc 30.000 đồng/giờ chẳng hạn, để hai bên có căn cứ thỏa thuận - ông Quảng nói.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, nhận định tùy công việc, NLĐ làm theo giờ được trả lương khác nhau, song thực tế cho thấy mức LTT giờ do Bộ LĐ-TB-XH đề xuất thấp hơn so với mặt bằng chung của thị trường lao động. Mức LTT giờ đề xuất thấp là do được tính bằng cách lấy LTT tháng áp dụng với từng vùng chia cho số giờ làm việc quy định trong tháng (26 ngày mỗi tháng, 8 giờ mỗi ngày).
Cách tính này cần được xem xét lại bởi theo Luật BHXH (điều 28, điều 39), khi tính mức hưởng chế độ ốm đau, thai sản một ngày được tính trên 24 ngày công. Việc tính trên 26 ngày công sẽ khiến LTT giờ bị kéo thấp đi. Bên cạnh đó, mức LTT vùng theo tháng hiện tại cũng chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, trong khi NLĐ làm việc theo giờ, không trọn thời gian thường sẽ không làm đủ số công như người làm trọn thời gian, nghĩa là thu nhập không đạt đến mức LTT vùng theo tháng. Nên nếu căn cứ vào LTT vùng theo tháng để tính LTT giờ là chưa phù hợp. Ông Triều đề xuất LTT vùng giờ nên tăng lên ở mức 30.000-40.000 đồng/giờ .
Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, NLĐ làm trọn thời gian ngoài lương cơ bản (thấp nhất bằng LTT vùng) còn được tham gia BHXH, BHYT, BHTN (chưa kể phụ cấp, thưởng), trong khi đó NLĐ làm việc theo giờ thì đa phần chỉ gói gọn trong tiền lương. Do vậy, khi tính toán LTT giờ, ban soạn thảo cần tính gộp thêm các khoản này.
Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định hiện hành của Luật BHXH là trả cùng kỳ trả lương NLĐ một khoản tương ứng với khoản đóng BHXH trong trường hợp NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Ông Tín cũng đề nghị không nên áp mức LTT giờ cào bằng đối với mọi công việc, nhất là với những công việc cần tay nghề và có sự đầu tư chi phí đào tạo. Bởi tình trạng phổ biến hiện nay là người sử dụng lao động chỉ trả lương bằng mức tối thiểu vùng nên sẽ không thỏa đáng đối với NLĐ.
Phải bù đắp những khoản thiếu hụt
Theo TS Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), đây năm đầu tiên đưa ra mức LTT giờ nên chưa thể đánh giá đầy đủ tác động của quan hệ cung cầu. Tuy nhiên, quy định này sẽ bảo vệ cho nhóm lao động làm công việc bán thời gian, làm thời vụ, không làm đủ số giờ tiêu chuẩn trong một ngày hoặc số ngày tiêu chuẩn trong một tháng. Họ sẽ không có nhiều chế độ như những người làm việc toàn thời gian, không có tiền ăn giữa ca, tiền phép năm, tiền hỗ trợ đi lại, tiền nuôi con nhỏ, tiền thưởng tháng 13... "Trong những lần đàm phán tiếp theo, mức LTT giờ cần nhân thêm với một số hệ số nào đó, cao hơn mức đề xuất hiện nay để bù đắp cho những khoản thiếu hụt này" - TS Vũ Minh Tiến nhận định.