Trong nửa đầu năm 2019, lượng vốn ẩn bị rút ra khỏi Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục, cho thấy người dân Trung Quốc muốn chuyển tiền ra nước ngoài đang sử dụng những giao dịch ngầm để trốn tránh các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ.
Đó là nhận định được Viện Tài chính quốc tế IIF đưa ra trong báo cáo gần đây. Theo IIF, mục "lỗi và sai sót" (net errors and omissions) trên cán cân thanh toán của Trung Quốc – vốn được nhiều người coi là chỉ báo về dòng vốn tháo chạy không chính thức – đã tăng lên mức kỷ lục 131 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay. Cùng kỳ năm 2015 và 2016 là thời điểm áp lực dòng vốn tháo chạy tăng cao, con số trung bình là 80 tỷ USD.
Trưởng nhóm nghiên cứu Trung Quốc của IIF Gene Ma nhận định "dòng vốn trong cư dân tiếp tục rời Trung Quốc thông qua những kênh giao dịch không được ghi chép chính thức".
Mục "lỗi và sai sót" là phần hiện diện trên cán cân thanh toán của 1 quốc gia để phản ánh dòng vốn không thể được xếp vào các mục khác vì không phù hợp với tiêu chí. Ngoài ra có thể nhìn vào sự không nhất quán trong dữ liệu về ngành du lịch để nhận ra các cách mà người dan dùng để đem tiền ra nước ngoài, ví dụ như mua bất động sản hoặc bảo hiểm nhân thọ ở nước ngoài.
Tính toán riêng của Bloomberg ước tính trong 7 tháng đầu năm nay khoảng 226 tỷ USD đã chảy ra khỏi Trung Quốc, cao hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Ma, mặc dù nỗi lo về tăng trưởng sẽ đè nặng lên triển vọng của kinh tế Trung Quốc trong năm tới, ông dự đoán cán cân vốn sẽ cân bằng hơn vào năm 2020. Việc các cổ phiếu Trung Quốc được bổ sung vào các chỉ số chứng khoán toàn cầu cũng như trái phiếu toàn cầu từ năm tới sẽ tiếp tục góp phần đa dạng hóa dòng vốn đổ vào Trung Quốc. Các cam kết sẽ mở cửa thị trường tài chính cũng có nhiều tác dụng.