Câu hỏi cho các nhà mạng, doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam
Tại toạ đàm Giải pháp đột phá đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng ICT và các công nghệ nền tảng, trong khuôn khổ Vietnam ICT Summit, các nhà mạng trong nước đã có dịp chia sẻ về quan điểm của mình trong việc chuyển đổi hạ tầng, xây dựng hệ sinh thái số.
Ông Tào Đức Thắng, Phó TGĐ Viettel cho biết đơn vị này đã có sự chuyển đổi hạ tầng từ truyền thống sang ICT. "Hạ tầng của chúng tôi là viễn thông – công nghệ thông tin từ hệ thống truyền dẫn đến bên trong", ông nói. "Cái nhà mạng cần làm bây giờ là một cuộc cách mạng và tiến hành cung cấp thêm các nền tảng khác để chuyển đổi từ truyền thống lên ảo hoá".
Với Tập đoàn VNPT, ông Ngô Diên Hy, TGĐ công ty cho biết nói rằng đã có sự chuyển đổi hạ tầng từ truyền thống sang cung cấp dịch vụ số từ năm 2014. Đến nay VNPT đã đi theo hướng cung cấp hệ sinh thái như giáo dục, y tế, du lịch…Công nghệ mới sẽ mở ra nhiều sản phẩm mới – ông Hy nhấn mạnh và khẳng định VNPT sẽ cung cấp nhiều hệ sinh thái số.
Ông Nguyễn Đinh Tuấn, thành viên HĐTV Mobifone thì nói rằng đơn vị này cam kết tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi số. Ông gọi đây là hành động "sống còn". Tuy nhiên, đại diện Mobifone nhìn nhận rằng đây là câu chuyện đường dài. Trước mắt, cách nhanh nhất để chuyển đổi số theo ông Tuấn là cung cấp nền tảng – một platform cho tất cả doanh nghiệp sử dụng.
Trợ lực nào cho doanh nghiệp chuyển đổi số
"Các doanh nghiệp đã có sự trợ giúp như thế nào để tạo ra nền tảng cho chuyển đổi số", Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đặt câu hỏi tiếp nối.
"Việt Nam có lợi thế và hoàn toàn có thể tạo ra giá trị cũng như sự cạnh tranh", Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính trả lời.
Ông cho biết CMC ngoài việc xây dựng những nền tảng thông minh phục vụ cho cộng đồng còn mong muốn đưa Việt Nam trở thành một trung tâm số của thế giới. "Các công ty cung cấp nền tảng như chúng tôi có sứ mệnh làm thế nào để doanh nghiệp nhanh chóng kết nối và tạo ra giá trị".
Phía FPT thì chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số của mình. Ông Nguyễn Văn Khoa, TGĐ FPT này cho biết doanh nghiệp đã đúc rút được 3 bước gồm: xây dựng phương pháp luận đặc thù của Việt Nam; xây dựng các chuỗi sản phẩm phục vụ cho việc chuyển đổi số gồm sản phẩm nền tảng và ứng dụng; và đào tạo nhân lực.
"Hiện Đại học FPT đang có hơn 17.000 sinh viên và dự kiến sau 3 năm sẽ tăng lên khoảng 35.000 sinh viên", ông nói.
"Trong bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ông nhấn mạnh đến vai trò của các doanh nghiệp ICT. Chúng ta làm thế nào để đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ thông tin", Thứ trưởng Hưng tiếp tục đặt câu hỏi cho 2 doanh nghiệp công nghệ.
Trả lời vấn đề này, ông Chính nêu thực tại về số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin còn hạn chế, chỉ khoảng 40 – 50 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Để thúc đẩy nhóm doanh nghiệp này phát tiênr cần phải tạo ra được các công cụ nền tảng.
"Hạ tầng nền tảng số giúp startup tiếp cận nhanh hơn, có trải nghiệm hơn", ông nói.
Còn ông Khoa thì cho rằng vấn đề nằm ở nhu cầu thị trường. "Nhu cầu chưa đủ lớn để tạo ra một lượng lớn doanh nghiệp ICT", ông nói, "Tôi tin là khi có khoảng 1- 2 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ thì đảm bảo khi đó không cần thúc đẩy, thị trường sẽ tự vận hành và kéo theo đó là số lượng lớn doanh nghiệp ICT ra đời".