Bộ Công Thương lưu ý người dân tìm hiểu kỹ về bên nhận đặt cọc, đồng thời yêu cầu cung cấp dự thảo hợp đồng mua bán nhà, đính kèm làm một phần không tách rời của giấy tờ đặt cọc.
Đây là lưu ý được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đưa ra với người tiêu dùng để tránh rủi ro khi ký kết thỏa thuận đặt cọc mua căn hộ chung cư chưa đủ điều kiện mở bán.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thực tế ghi nhận không ít kênh môi giới (nhận là kênh môi giới của chủ đầu tư) hoặc trực tiếp các chủ đầu tư đã giới thiệu và nhận các khoản đặt cọc trước của khách đối với những dự án chưa đủ điều kiện mở bán.
Tại Bắc Giang, Công ty cổ phần Kosy chủ đầu tư khu đô thị mới Kosy đã vi phạm hành chính về kinh doanh bất động sản khi chưa đủ điều kiện theo quy định (Ảnh: Xây dựng) |
Hình thức nhận đặt cọc từ một tờ giấy đặt cọc đơn giản chỉ ghi nhận số tiền đặt cọc đến những văn bản chi tiết hơn như "Hợp đồng đặt cọc" hay "Văn bản thỏa thuận" về việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến tư vấn, đăng ký mua căn hộ chung cư. Khoản đặt cọc từ vài chục triệu đến những khoản lớn hơn gấp nhiều lần.
Trước thực tế trên, Cục lưu ý người dân cần tìm hiểu rõ địa vị pháp lý của bên nhận đặt cọc/ bên bán hàng trong mối quan hệ với chủ đầu tư. Ngoài thông tin do bên nhận đặt cọc/ bên bán hàng cung cấp, cần đề nghị cung cấp các giấy tờ chứng minh cũng như kiểm tra lại thông tin từ kênh chủ đầu tư.
Ngoài các thông tin quảng cáo từ bên nhận đặt cọc/ bên bán hàng, cần tìm hiểu các thông tin chính thức về dự án và căn hộ từ kênh chủ đầu tư và từ các hồ sơ pháp lý tùy từng giai đoạn. Không vội vàng đặt cọc dựa trên những thông tin một chiều do các đơn vị trung gian cung cấp.
Bên cạnh đó, yêu cầu cung cấp dự thảo hợp đồng mua bán của chủ đầu tư và đính kèm nó làm một phần không tách rời của giấy tờ đặt cọc. Trong trường hợp chủ đầu tư chưa hoàn thiện dự thảo hợp đồng mua bán, cần yêu cầu quy định những nội dung tối thiểu sau trong giấy tờ đặt cọc, bao gồm:
Mục đích của việc đặt cọc (như thông tin về căn hộ bên đặt cọc muốn mua khi chủ đầu tư đủ điều kiện mở bán); ấn định thời điểm ký kết hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư;
Các điều kiện đối với chủ đầu tư và dự án tại thời điểm ký kết hợp đồng như: dự án đủ điều kiện mở bán theo quy định pháp luật, chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng có thẩm quyền.
Dự án Eco Smart City Cổ Linh (Hà Nội) dù vẫn là bãi đất trống, chưa có hoạt động xây dựng nhưng đã rầm rộ thông tin quảng cáo, rao bán, nhận đặt cọc căn hộ chung cư dự án |
Ngoài ra, người mua cần nghiên cứu kỹ nội dung của giấy tờ đặt cọc để đảm bảo chế tài xử lý vi phạm của bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc đã được quy định rõ ràng.
Đặc biệt, cân nhắc thật kỹ trong trường hợp có các nội dung bất lợi về xử lý vi phạm hợp đồng của các bên, ví dụ như không cho phép bên đặt cọc chấm dứt hợp đồng hay chế tài đối với bên đặt cọc nặng hơn.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các địa phương về việc thực hiện quy định về giao dịch bất động sản nhà ở hình thành trong tương lai.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát và thực hiện nghiêm quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, nghị định số 99/2015, Nghị định 76/2015 của Chính phủ về trình tự, thủ tục, điều kiện đối với các giao dịch bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai trên địa bàn.
Một số nội dung quy định được Bộ Xây dựng lưu ý bao gồm: Điều kiện khi đưa bất động sản hình thành trong tương lai vào kinh doanh theo quy định tại điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản; Thực hiện thủ tục thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê, mua; Việc bảo lãnh, thanh toán trong bán, cho thuê bất động sản; Việc thế chấp, điều kiện thế chấp...
Theo Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014, một dự án chỉ được phép đưa vào kinh doanh khi có giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án. Nếu nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng.
Bất động sản hình thành trong tương lai là công trình đang trong quá trình xây dựng, chưa được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Vì vậy, tính pháp lý của dự án là một trong những lưu ý quan trọng khi khách hàng mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Tuy nhiên thực tế thời gian qua cho thấy, tại nhiều địa phương cũng xảy ra tình trạng nhiều dự án bán “chui” nhà trên giấy, “bán lúa non” khi dự án chưa đủ các điều kiện pháp lý. Có dự án chưa xây dựng hạ tầng vẫn chỉ là đồng ruộng mênh mông cũng được rao bán, môi giới hoạt động rầm rộ ngay tại dự án.
Như tại Bắc Giang, thời gian qua, Sở Xây dựng tỉnh này đã phối hợp kiểm tra một số dự án khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn. Bước đầu lực lượng chức năng phát hiện dự án khu đô thị mới Kosy, phường Xương Giang, TP Bắc Giang do Công ty cổ phần Kosy làm chủ đầu tư đã vi phạm hành chính về kinh doanh bất động sản khi chưa đủ điều kiện theo quy định.
Cụ thể, ngày 31/12/2019, Công ty cổ phần Kosy đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng doanh thu từ bán đất khu đô thị mới Kosy phường Xương Giang trước thời điểm Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản thông báo đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở.
Hay tại Hà Nội, dự án chung cư Eco Smart City Cổ Linh (quận Long Biên), dù mới chỉ là bãi đất trống nhưng dự án đã dựng biển quảng cáo, rao bán, nhận đặt cọc “thiện chí” của khách hàng mua căn hộ. Nhân viên môi giới cho biết, chính sách bán hàng của dự án chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 đặt cọc 100 triệu đồng, giai đoạn 2 ký hợp đồng đảm bảo khách hàng đóng 20% tổng giá trị căn hộ, giai đoạn 3 khách hàng hoàn thành toàn bộ số tiền mua căn hộ còn lại.
Thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã công bố công khai các dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn. Đồng thời, khuyến cáo người dân tham khảo đầy đủ các quy định pháp luật trước khi thực hiện các giao dịch để tránh các thiệt hại có thể xảy ra.
Thuận Phong