Cách đây ít hôm cơ quan nghiên cứu Economic Intelligence Unit – EIU vừa công bố Báo cáo chi phí sinh hoạt toàn cầu (Worldwide Cost of Living). Theo đó, Singapore tiếp tục đứng đầu danh sách các thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Đây là lần thứ năm liên tiếp Singapore giữ vị trí này. Paris và Zurich là các thành phố xếp thứ hai.
EIU thực hiện cuộc khảo sát chi phí sinh hoạt này thường niên nhằm đưa ra thông tin hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tính toán các khoản phụ cấp sinh hoạt phí và xây dựng chính sách hỗ trợ phúc lợi cho nhân viên bản địa hoặc nước ngoài của mình tại quốc gia mà họ kinh doanh.
Trong báo cáo, chiếm tỷ trọng lớn trong danh sách thành phố đắt đỏ là một số địa danh nổi tiếng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Tokyo và Osaka lại không xuất hiện trong top 10 lần này, bởi lạm phát thấp đáng kể trong năm vừa qua ở Nhật Bản.
Cách đây vài năm, cho tới năm 2013, Tokyo vẫn là thành phố có mức sống tốn kém nhất thế giới. Tuy nhiên, trong năm vừa qua, thành phố thủ đô Nhật Bản đã giảm xuống vị trí thứ 11. Hồng Kông, thành phố xếp thứ hai trong danh sách năm ngoái, cũng đã tụt xuống vị trí thứ 4.
Một số thành phố khác lại có vị trí gia tăng đáng kể. Chẳng hạn, Sydney, một thành phố lớn của Úc, đã tăng bốn bậc để lọt vào top 10. Các thành phố Oslo (Na Uy), Zurich (Thụy Sỹ) và Copenhagen (Đan Mạch) cũng leo lên top 10 sau cuộc khảo sát giá cả của 160 mặt hàng ở 133 quốc gia được EIU thực hiện.
EIU cho biết sự biến động tỷ giá là nguyên nhân chính dẫn tới các thay đổi trong bảng xếp hạng.
Cụ thể, đồng USD suy yếu khiến cho Hoa Kỳ không có bất kỳ thành phố nào nằm trong top 10 quốc gia có mức chi tiêu cao nhất trong báo cáo, mặc dù chi phí sinh sống tại quốc gia có GDP cao nhất thế giới này tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Trong danh sách, New York và Los Angeles lần lượt được xếp ở vị trí thứ 13 và 14, giảm từ vị trí thứ 9 và 11 trong năm ngoái.
Năm vừa qua, USD giảm giá so với tất cả các loại tiền tệ trong nhóm G10 (nhóm các quốc gia bao gồm Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Mỹ, Anh). Đồng tiền chung châu Âu Euro cũng tăng 14% so với USD trong năm qua.
Bất kể đồng Euro tăng giá, Paris là thành phố duy nhất trong khu vực đồng Euro có tên trong danh sách 10 thành phố đắt đỏ. EIU cho biết thủ đô nước Pháp vẫn là thành phố cực kỳ tốn kém với hầu hết các loại mặt hàng đều có mức giá cao. So với các thành phố lớn khác ở châu Âu, ở Paris chỉ có rượu, chi phí vận tải và thuốc lá có giá thấp hơn.
Thành phố Tel Aviv là nơi duy nhất ở khu vực Trung Đông góp mặt trong top 10. Đáng chú ý, chi phí vận tải ở đây cao hơn 79% so với New York, theo số liệu báo cáo.
Đối với Singapore, chi phí tốn kém cho việc sở hữu xe hơi là nguyên nhân khiến thành phố này đứng đầu danh sách. Tuy nhiên, giá cả hàng gia dụng và chi phí thuê giúp việc gia đình ở đây lại thấp hơn đáng kể so với các thành phố khác.
Châu Âu mặc dù là có tới 4 thành phố thuộc top 10 thành phố tốn kém nhất, nhưng cũng theo báo cáo, đây là nơi có một số địa điểm với mức sống phải chăng nhất.
Báo cáo cũng ghi nhận nhiều thành phố ở khu vực Nam Á, bao gồm Bangalore, Karachi và New Delhi của Ấn Độ là những nơi có chi phí sinh hoạt vừa phải. Trong khi đó, thành phố có mức sống rẻ nhất của bảng xếp hạng năm nay là Damascus của Syria do tác động của chiến tranh và thủ đô Caracas của Venezuela do lạm phát trầm trọng.