Gemalink là cảng trọng điểm tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải ở thị xã Phú Mỹ. Gemadept vừa cho biết sản lượng hàng hóa thông quan qua Gemalink 6 tháng đầu năm nay đạt 804.000 TEU, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2023.
Thị trường quốc tế đã có dấu hiệu tốt hơn so với cuối năm 2023, và nhu cầu tiêu dùng đã tăng trở lại. Về triển vọng kinh tế cuối năm nay, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá sản lượng thông quan qua các cảng biển của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực vì hoạt động sản xuất kinh doanh đang hồi phục rõ rệt.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam trrong tháng 6/2024 đã tăng mạnh lên mức 54,7 điểm và bỏ xa mức 50,3 điểm của tháng 5, cho thấy hoạt động sản xuất được mở rộng. Đáng chú ý, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/2022.
Báo cáo cập nhật PMI tháng 6 của S&P Global cho biết tăng trưởng trong ngành sản xuất của Việt Nam rất mạnh vào cuối quý II/2024. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng với một trong những tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận. Vì vậy, các công ty có thể tăng sản lượng và hoạt động mua hàng, và tăng số lượng nhân viên lần đầu tiên trong 3 tháng.
Để đón nhận cơ hội tăng trưởng từ lĩnh vực logistics và cảng biển quốc tế, Gemadept cho biết phải tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng Gemalink, phát triển các dịch vụ mới và mở rộng tệp khách hàng.
Gemadept đang hoàn thiện các thủ tục liên quan, thu xếp vốn để dự kiến khởi công giai đoạn 2 cảng Gemalink vào tháng 11/2024. Dự án chia làm 2 giai đoạn 2A và 2B với tổng đầu tư lần lượt là 100 triệu USD và 200 triệu USD.
Là liên doanh giữa Gemadept và CMA Terminals thuộc hãng tàu CMA CGM của Pháp, cảng Gemalink có tổng công suất thiết kế lên đến 3 triệu TEU, thuộc hàng cao nhất so với các cảng đối thủ lớn khác trong khu vực Đông Nam Á.
Theo dự kiến, giai đoạn 2A của Gemalink sẽ đạt công suất 70-75% tổng công suất thiết kế của 2A vào năm 2027 và tối đa công suất vào năm 2028. Giai đoạn 2B sẽ được lên kế hoạch triển khai khi giai đoạn 2A hoạt động được 80% công suất. Mục tiêu khi hoàn thành 2B sẽ là 3 triệu TEU trong công suất khai thác.
Gemalink cùng các cảng CMIT, TCIT, TCCT, cảng SP-PSA, cảng SITV và cảng container Cái Mép hợp thành cụm Cái Mép - Thị Vải, là hệ thống cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, cũng là nơi duy nhất ở miền Nam đủ khả năng phục vụ những con tàu container được thế giới xếp vào nhóm "siêu tàu" chở hàng.
Tháng 6/2024, cụm này được Ngân hàng Thế giới và S&P Global Market Intelligence xếp thứ 7 thế giới về chỉ số CPPI (Container Port Performance Index – chỉ số hoạt động cảng container). Cách đây một năm, Cái Mép - Thị Vải đứng thứ 12. Như vậy, cụm cảng nước sâu tại thị xã Phú Mỹ đã nhảy lên 5 bậc trong vòng một năm.
Hệ thống cụm cảng Cái Mép - Thị Vải nằm dọc bờ sông Thị Vải và chỉ cách TP.HCM trong vòng chưa đầy 2 giờ theo đường bộ - khoảng 60km. Tại cụm, 2 cảng TCIT và TCCT thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã gần như hoạt động tối đa công suất thiết kế (2 triệu TEU/năm). Do đó, cảng Gemalink được kỳ vọng sẽ khai thác phần lớn lượng hàng hóa tăng thêm của cụm cảng.