Trước việc nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh gặp khó khăn trong quá trình đăng ký xuất khẩu (XK) gạo vào thị trường Trung Quốc, ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - cho biết, với gạo và cám gạo, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư XK chính ngạch từ năm 2016. Trong phụ lục có 22 DN được phép XK chính thức.
Tuy nhiên, tình hình khó khăn trong suốt thời gian vừa qua là do sự thay đổi các điều kiện về an toàn thực phẩm cũng như đăng ký DN XK vào thị trường Trung Quốc theo Lệnh 248, 249. Hiện nay Cục BVTV đã có hướng dẫn cho các DN để đăng ký theo các bước, trên cơ sở đó sẽ nộp hồ sơ để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, phê duyệt.
“Trong thời gian qua, rất nhiều loại hồ sơ, rất nhiều sản phẩm của Việt Nam đang được phía bạn nỗ lực để phê duyệt. Cục BVTV cũng đang phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam để thống kê, tổng kết số liệu các DN có hồ sơ mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( NN&PTNT) đã gửi cho phía Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy họ phê duyệt các hồ sơ này” – ông Đạt cho hay.
Theo đại diện Cục BVTV, để được chấp thuận XK sang thị trường Trung Quốc, DN phải đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định, chứng minh đầy đủ thành phần hồ sơ liên quan đến công đoạn sản xuất ngoài đồng ruộng đến thu hoạch, sơ chế, chế biến đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm HACCP.
“Do vậy, trong quá trình thực hiện DN cần phải hoàn thiện hết các hồ sơ này cũng như gửi cho Cục để Cục tiếp tục giới thiệu sang phía bạn. Theo thông lệ, từ 2-3 tháng/lần, tùy từng nhóm mặt hàng, chúng tôi sẽ gửi các danh sách này cho phía bạn.
Cục đã báo cáo lãnh đạo Bộ trong thời gian tới sẽ chủ động hơn nữa để phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để tiếp tục đầu mối tiếp nhận, xử lý nhanh chóng và hiệu quả các hồ sơ chúng ta đã phê duyệt" - Phó Cục trưởng Cục BVTV thông tin.
Xuất khẩu gạo Việt Nam tháng 1/2023 giảm cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Vũ Văn Đồng – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại Đại Dương - cho hay, DN đang làm mọi thủ tục để XK vào thị trường Trung Quốc, trong đó có các mặt hàng thế mạnh như gạo, xoài, mít, thanh long… “Chúng tôi rất mong muốn hợp tác với các tỉnh có vùng sản xuất để mở rộng vùng nguyên liệu XK gạo. Hiện tại chúng tôi đã ký với đối tác nhập khẩu bên Trung Quốc, mong muốn nhận được sự tạo điều kiện giúp đỡ của các tỉnh, nếu có ngân hàng phối hợp thì càng thuận tiện”.
Bên cạnh đó, DN này cũng XK trái cây và thủy sản với số lượng lớn sang thị trường Trung Quốc nên mong muốn lãnh đạo các bộ, ban ngành hai bên Việt Nam và Trung Quốc tạo điều kiện cho DN XK được nhanh gọn, đảm bảo tính pháp lý, đúng với yêu cầu của cả Việt Nam và Trung Quốc.
Theo đại diện Cục BVTV, thị trường Trung Quốc đã có những thay đổi. Đó là kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu (tiểu ngạch); yêu cầu phải đàm phán mở cửa thị trường đối với từng loại sản phẩm; quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư; yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói. Trung Quốc đang ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật, yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm nông sản XK sang nước này…
Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư kiểm dịch thực vật đối với các sản phẩm nông sản gồm chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo và gạo. Đồng thời, đang đàm phán để ký Nghị định thư XK chính ngạch một số quả tươi truyền thống như dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải và chôm chôm; hướng dẫn tạm thời đối với ớt, chanh leo. Hai bên cũng đang đàm phán kỹ thuật để XK khoai lang (đã ký Nghị định thư), cây có múi và dừa. Đồng thời, đã nộp hồ sơ đối với quả na và thảo quả.