Theo Reuters, ngày 10/4, giá vàng thế giới tiếp tục đạt đỉnh kỷ lục do rủi ro lạm phát mới nổi và căng thẳng địa chính trị. Động thái tích lũy tài chính của ngân hàng trung ương các nước khiến kim loại vàng ngày càng tăng giá.
Vàng giao ngay chỉ giảm nhẹ với 2.351,94 USD /ounce, sau khi đạt mức cao kỷ lục 2.356,09 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng tương lai của Mỹ tăng 0,3% lên 2.369,9 USD.
Theo chiến lược gia Soni Kumari , do căng thẳng địa chính trị, ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi đang dự trữ vàng để đa dạng hóa rủi ro, một số biến động của đồng tiền Trung Quốc và sự xuất hiện của rủi ro lạm phát thúc đẩy giá cả thị trường trường vàng.
Trong khi đó, Phillip Streible - chuyên gia kinh tế tại Blue Line Futures ở Chicago - cho biết: “Đà mua sẽ tiếp tục tăng trên thị trường vàng trừ khi dữ liệu CPI nóng hơn nhiều so với dự kiến. Báo cáo lạm phát nguội hơn có thể đưa giá vàng lên mức 2.400 USD, thậm chí 2.500 USD”.
Biên bản cuộc họp chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ và dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ sớm được công bố. Trước đó, báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ thổi bay những dự báo trước đây, làm dấy lên câu hỏi về tính khả thi của việc cắt giảm lãi suất trong năm.
Theo Reuters, vàng thỏi được xem là hàng rào chống lại lạm phát và bất ổn chính trị. Tuy nhiên, lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ tài sản không sinh lời.
Giống với nhận định của chuyên gia kinh tế , Hội đồng vàng thế giới cho rằng đà tăng của vàng thỏi là hệ quả của việc chính trị bất ổn, lực mua của ngân hàng trung ương toàn cầu. Ngoài ra, nhu cầu ổn định với đồ trang sức, vàng thỏi của người dân cũng thúc đẩy lực mua.
Trong khi đó, dữ liệu của CME Group cho thấy có khoảng 53% khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Fawad Razaqzada - nhà phân tích thị trường tại City Index - cho biết: “Bất chấp quan điểm vàng tăng giá phi mã, với điều kiện hiện tại, tôi dự đoán sẽ có một đợt đảo chiều giảm giá”.