Sau khi giá của kim loại quý này lập đỉnh cao nhất mọi thời đại ở mức 2.075 USD/ounce vào tháng 8, nỗi lo thế giới đang cạn kiệt vàng lại một lần nữa nổi lên. Theo chuyên gia Wood Mackenzie nhận định, đến năm 2025 ngành vàng cần làm ra 8 triệu tấn để duy trì mức sản lượng của năm ngoái. Để đạt được điều này đòi hỏi khoảng 37 tỷ USD vốn đầu tư. Tuy nhiên trong năm ngoái hoạt động khai thác vàng đã suy giảm lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây.
Trọng tâm của mối lo ngại là 1 xu hướng đã tồn tại trong ngành khai thác vàng từ nhiều năm nay: tỷ lệ vàng trong các mỏ quặng liên tục giảm xuống, từ mức hơn 10 gram trên mỗi tấn ở thời kỳ cuối những năm 1960 nay chỉ còn hơn 1 gram trên mỗi tấn. Con số này tương đương việc bạn phải "sàng lọc" số lượng quặng tương đương với 1 bức tượng Nữ thần tự do mới có thể cho ra 1 thìa cà phê vàng. Thậm chí có những lúc tỷ lệ thấp đến nỗi gần như không thu được lợi ích kinh tế.
Tuy nhiên chúng ta không thể biết chính xác khi nào thế giới sẽ cạn kiệt vàng. Và dường như còn lâu mới đến thời khắc đó.
Tại mỏ Cadia East của Newcrest Mining, nơi nằm cách Sydney 200km về phía Tây, tỷ lệ chỉ là 0,45 gram trên mỗi tấn – tức hơn 2 bức tượng Nữ thần tự do mới cho ra được 1 thìa cà phê vàng. Thế nhưng đây vẫn là một trong những mỏ vàng có lợi nhuận cao nhất thế giới, với chi phí vào khoảng 160 USD/ounce, tức đem về lợi nhuận thặng dư hơn 90% ở mức giá vàng hiện tại.
Có hai yếu tố ảnh hưởng đến câu chuyện kể trên. Thứ nhất là lợi thế kinh tế về quy mô (economies of scale): Cadia là một trong 10 mỏ vàng lớn nhất thế giới xét theo sản lượng. Kể từ thời ngành khai khoáng còn sơ khai, tốc độ tăng trưởng của ngành đã luôn luôn phụ thuộc vào công nghệ khai thác. Ở Nam Phi, nơi có những mỏ vàng dễ khai thác nhất, giờ đây ngày càng kém được ưa chuộng do vẫn còn sử dụng những công cụ khai thác lạc hậu và chủ yếu vận hành bằng tay. Trong khi đó dù ở địa thế khó khai thác hơn nhưng lại sử dụng những công nghệ tiên tiến, các mỏ ở Siberia, Oceania và Nevada sẽ mang lại công suất tốt hơn.
Một yếu tố khác là hầu hết lượng vàng được khai thác trên thế giới không phải được khai thác từ quặng vàng mà nhiều nhất là từ porphyry – một khoáng chất cũng là một trong những nguồn khoáng sản lớn nhất để sản xuất đồng. Hiện công ty vận hành mỏ vàng lớn nhất thế giới không phải là 1 công ty khai thác vàng mà là nhà sản xuất đồng Freeport-McMoran. Mỏ vàng Grasberg ở New Guinea của hãng có sản lượng gần gấp đôi so với đối thủ gần nhất. Ở Cadia, chi phí sản xuất thấp đến nỗi đi kèm với mỗi ounce vàng khai thác được bạn sẽ thu được khoảng 140kg đồng, có giá trị khoảng 900 USD ở mức giá hiện tại.
Mặc dù đúng là có tồn tại vấn đề như Wood Mackenzie đã nêu, giá vàng ở mức cao như hiện nay chính là hoàn cảnh sẽ thúc đẩy hoạt động khai thác giúp bù đắp lượng vàng thiếu hụt. Và mặc dù con người đã khai thác vàng từ rất lâu, chúng ta vẫn liên tục phát hiện ra mỏ vàng ở những nơi không ai ngờ đến.
Ví dụ hoạt động khai thác vàng ở bang Victoria của Australia đã ngừng lại cách đây 1 thế kỷ sau khi cơn sốt vàng của thế kỷ 19 khiến dường như vàng ở đây đã cạn kiệt. Thế nhưng vào năm 2015 công ty Kirkland Lake Gold đã phát hiện ra 1 mỏ quặng mới ở ngay gần khu vực Fosterville và nhận ra rằng mình đang "ngồi" trên một trong những mỏ vàng dễ khai thác nhất thế giới. Phát hiện này khiến giá trị vốn hóa của công ty tăng gần 100 lần trong 5 năm qua.
Cũng trong năm 2015, một chi nhánh của Zhaojin Mining Industry phát hiện 1 mỏ vàng mới chỉ cách mặt đất 2km, nằm bên dưới vùng đất ven biển thuộc tỉnh Sơn Đông. Với trữ lượng đã được chứng minh đạt 212 tấn, đây hiện là một trong những mỏ lớn nhất thế giới.
Hiện không có lý do gì để nghĩ rằng xu hướng này sẽ kết thúc. Trên toàn thế giới, hoạt động sản xuất vàng đã tăng trưởng khoảng 30% trong thập kỷ qua, cao gấp đôi so với mức tăng trưởng 15% của sản lượng khai thác dầu. Do đó lý do tốt nhất để đầu tư vào vàng vẫn là đa dạng hóa danh mục đầu tư chứ không phải thế giới cạn vàng. Một ngày nào đó thế giới sẽ hết vàng, nhưng từ thời điểm hiện tại đến lúc đó là 1 quãng đường rất xa.
Tham khảo Bloomberg