Giữa bối cảnh biến động thị trường toàn cầu và tăng trưởng chậm lại mà các gã khổng lồ kinh tế khác đang phải đối mặt, Nhật Bản có thể đi trên một con đường bền vững hơn so với những nước khác, Shvets nói với CNBC vào hôm thứ Ba.
"So với sự biến động trên toàn thế giới, Nhật Bản khá yên bình", ông Shvets nói.
Tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump và Quốc hội bị chia rẽ, trong khi châu Âu đang chuẩn bị cho các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu và thay thế Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào năm tới, ông nói. Trong khi đó, Trung Quốc cũng có những thách thức trong nước và về vấn đề thương mại của riêng họ.
"Không hẳn là Nhật Bản không có vấn đề, mà chỉ là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản biết chính xác họ đang làm gì. Chính phủ Nhật Bản đã quản lý nền kinh tế nước này trong hơn ba thập niên", theo ông Shvets.
Những mặt tích cực khác trong nền kinh tế này còn có "tình hình sức khỏe" rất tốt của khu vực tư nhân, Shvets bổ sung. "Vì vậy, tôi nghĩ rằng Nhật Bản thực sự có thể là tài sản có hiệu suất tốt nhất".
Dự báo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã chỉ ra rằng ước tính tăng trưởng toàn cầu có thể sẽ giảm trong năm 2019 do những căng thẳng thương mại và việc thắt chặt các điều kiện tài chính.
Mỹ và Trung Quốc, hai siêu cường kinh tế lớn nhất thế giới, đã bị vướng vào một cuộc chiến thương mại rất nghiêm trọng trong phần lớn năm nay.
Cụ thể là Mỹ đã áp thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc, và trước đó đe dọa sẽ áp thuế đối với hàng nhập khẩu khác trị giá 267 tỷ USD. Về phần mình, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp thuế đối với lượng hàng nhập khẩu trị giá 110 tỷ USD của Mỹ, nhắm vào các ngành công nghiệp quan trọng về mặt chính trị như nông nghiệp.
Mặc dù hai bên đã đồng ý "ngừng bắn" 90 ngày, nhưng hầu hết các chuyên gia đều không tin rằng những bước cụ thể để giảm bớt hoàn toàn căng thẳng giữa hai gã khổng lồ kinh tế có thể đạt được trong một thời gian ngắn như vậy.
"Những gì Mỹ muốn Trung Quốc làm, Trung Quốc không thể đáp ứng được, và ở chiều ngược lại cũng thế", ông Shvets nói.
Ngoài việc giảm thâm hụt thương mại với Bắc Kinh, Washington cũng xem các vấn đề về sở hữu trí tuệ và trộm cắp công nghệ là ưu tiên của họ.
Shvets chỉ ra rằng việc các quốc gia ăn cắp công nghệ của nhau là không có gì mới, và điều này đã diễn ra từ đầu thế kỷ 19.
"Bất cứ nền kinh tế nào đang nổi lên và đang phát triển cũng thường đánh cắp công nghệ từ các nền kinh tế khác – điều đó không có gì là mới. Mọi nền kinh tế, từ Mỹ, Đức, đến Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã làm điều đó".
Điều quan trọng nhất là Trung Quốc muốn tiếp tục tham gia vào thế giới này, Shvets nói. "Những gì họ muốn làm là tiến lên cao hơn trong chuỗi giá trị, nhanh nhất có thể. Những gì thế giới không thể cung cấp cho họ là một sự tiếp nối của môi trường hiện tại", ông nói thêm.