Lý giải về sự chênh lệch này, Vụ Thống kê giá cho biết trong ấn phẩm Các báo cáo phân tích và dự báo thống kê năm 2019, nguyên nhân chính là hệ thống phân phối ở Hà Nội phát triển còn ở trình độ thấp cả về số lượng và chất lượng. Ví dụ việc mở rộng hệ thống các siêu thị, năm 2019, nếu ở Hà Nội có chưa đến 90 siêu thị với khoảng trên 20 trung tâm thương mại và 400 chợ thì TP Hồ Chí Minh đã có 100 siêu thị, 100 trung tâm thương mại, 240 chợ…
Ngoài ra TP Hồ Chí Minh có hệ thống chợ đầu mối nông sản thực phẩm được thiết lập rất bài bản, tạo ra nguồn cung hàng hóa dồi dào, có chất lượng cho khâu bán lẻ để phục vụ người tiêu dùng hàng ngày.
Về nguồn hàng phục vụ cho tiêu dùng hàng ngày như: Gạo, thịt, cá, rau quả, thủy hải sản... chủ yếu là từ các tỉnh ở các TP phía Nam. Trong khi các tỉnh ở phía Bắc chỉ có khoảng 30%. Như vậy muốn tổ chức vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh phía Nam đưa ra các tỉnh phía Bắc với cự ly hàng nghìn km, rõ ràng chi phí vận chuyển sẽ tốn kém hơn từ 5% - 10% và theo đó giá thành hàng hóa khi bán lẻ cho người dân Hà Nội sẽ tăng hơn.
Đó cũng là lý do khiến Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có giá cả sinh hoạt cao. Nhiều hàng hóa được sử dụng tại đây không được sản xuất tại chỗ mà phải đưa từ miền xuôi lên. đường xá đi lại khó khăn tác động đến giá cước vận tải tăng cao. Ngoài ra, hệ thống phân phối hàng hóa vùng này rất phân tán, chi phí duy trì hệ thống, lưu trữ hàng hóa kho bãi cao đã làm cho giá cả bị đẩy lên cao so với các vùng khác.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có chỉ số giá sinh hoạt thấp, nguyên nhân chính do đây là vùng có địa hình bằng phẳng, điều kiện khí hậu và thủy văn thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ trong việc sản xuất nông nghiệp nên các mặt hàng lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình có mức giá thấp.
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) là một chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hoá và dịch vụ phục vụ cho đời sống hàng ngày của người dân giữa các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, giữa các vùng trong nước tại một thời điểm (tháng, quý hoặc năm). SCOLI được tính dựa trên cơ sở phương pháp luận của giá so sánh quốc tế với Nguồn số liệu của điều tra giá tiêu dùng.
Chỉ số này được dùng trong phân tích kết quả thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, trợ cấp khó khăn, trợ cấp tiền lương và nghiên cứu mức sống dân cư giữa các tỉnh, vùng, khu vực trong cả nước…
Đồng thời, chỉ số này còn là cơ sở để tính Chỉ số phát triển con người (HDI), tính Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là GRDP) theo sức mua tương tương, đánh giá mức sống tối thiểu và điều chỉnh mức lương vùng miền, tính toán các chi phí đầu tư, đánh giá tính cạnh tranh về giá, chế độ ăn, ở, công tác phí theo giá vùng miền. SCOLI được sử dụng để loại trừ yếu tố chênh lệch giá trong thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình giữa các vùng. Từ đó, tính ra thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình với cùng một mặt bằng giá để tính toán tỷ lệ nghèo.