Phần lớn thế giới cuối cùng phải phụ thuộc vào những gì mùa đông mang đến. Nhưng Mỹ có một lợi thế trước những tháng mùa đông, vì nước này là nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và lượng khí dự trữ không thấp như châu Âu.
Francisco Blanch, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại ngân hàng Merrill Lynch của Mỹ cho biết: "Chúng ta đang trong thời điểm lạ lùng mà tất cả giá năng lượng đều đang tăng. Mỹ đang ‘cách ly’ nhiều với xu hướng năng lượng toàn cầu này hơn so với phần còn lại của thế giới".
Điều đó không có nghĩa là giá năng lượng tại Mỹ không biến động. Ngày 5/10 vừa qua, giá khí đốt tự nhiên đạt mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2008. Ngày hôm sau, hợp đồng giao dịch đã tăng tới 6,446 USD/ một triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu).
Khí đốt tự nhiên để phân phối trong tháng 11 đã hạ nhiệt nhưng vẫn đi theo hướng tăng trong 7 tuần liên tiếp. Hợp đồng giao dịch hiện tại ở mức 5,63 USD/ MMBtu, cao gấp đôi so với giá đầu năm.
Nhưng giá khí đốt ở các khu vực khác còn cao hơn rất nhiều. Các nhà phân tích tại Deutsche Bank lưu ý rằng giá khí đốt ở châu Âu tăng gấp 5 lần, trong khi ở Mỹ và châu Á cao hơn khoảng 1,5 lần. Tại châu Âu, giá khí đốt tăng vọt tương đương với dầu giao dịch ở mức 200 USD/thùng.
Công ty lưu ý với khách hàng rằng: "Không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của những động thái này đối với lạm phát, tăng trưởng và các tài khoản ngoại sinh. Những động thái giá này là một vấn đề lớn".
Giá than và dầu cũng đang tăng chóng mặt. Dầu WTI đạt mức 80 USD/thùng lần đầu tiên vào ngày 8/10, kể từ tháng 11 năm 2014. Trong khi đó dầu Brent giao dịch ở mức cao nhất kể từ năm 2018. Các nhà phân tích nói rằng giá khí đốt leo thang thậm chí có thể thúc đẩy các dạng năng lượng để đổi nhiên liệu lấy dầu.
Giá khí đốt tự nhiên từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/ MMBtu
Tại sao giá khí đốt nhảy vọt?
Có một số yếu tố thúc đẩy sự giá khí đốt, dầu mỏ và than tăng.
Nhu cầu bật tăng khi nền kinh tế quay trở lại với các hoạt động kinh doanh và tiêu thụ như trước đại dịch. Cùng lúc đó, các nhà sản xuất, những người đã trải qua suy sụp chưa từng thấy trong năm 2020, đã gia tăng sản lượng.
Mùa đông 2020 kéo dài hơn và lạnh hơn dự kiến đồng nghĩa với châu Âu có mức dự trữ dưới trung bình khi bước vào mùa thu. Ngoài ra, tốc độ gió chậm và điều kiện khô hạn ảnh hưởng đến sản lượng của các nguồn năng lượng tái tạo.
Với mục tiêu cắt giảm carbon, lục địa này đã phải từ bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người đều đổ dồn cạnh tranh để có được khí đốt.
Sản lượng khí đốt của châu Âu đã giảm trong hai thập kỷ qua và châu lục này hiện đang phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Trong năm 2021, Nga đã hạn chế nguồn cung khí đốt sang châu Âu, trong một động thái được cho là có động cơ chính trị. Tổng thống Vladimir Putin gần đây cho biết Nga có thể tăng sản lượng trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng ở châu Âu.
Châu Âu không phải là nơi duy nhất cần nguồn cung khí đốt. Nhu cầu tại châu Á cũng đang tăng vọt khi các quốc gia như Trung Quốc tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào than đá. Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford đã tóm tắt sự kết hợp của các yếu tố trên tạo ra "cơn cuồng phong hoàn hảo" này.
Trong khi đó, Mỹ cũng có những khủng hoảng riêng về điện. Mùa đông năm 2020 tại Texas, hàng triệu khách hàng đã chịu cảnh mất điện nhiều ngày liền. Tuy nhiên việc tăng giá và khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở châu Âu và châu Á khó có thể ảnh hưởng đến Mỹ.
Ông Robert Thummel, giám đốc điều hành tại TortoiseEcofin, cho biết: "Mỹ không cần dựa vào phần còn lại của thế giới để cung cấp cho nguồn dự trữ và đây thực sự là vấn đề của châu Âu". Ông lưu ý rằng nguồn gốc của sự thiếu hụt không phải từ nguồn cung mà do thiếu cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cho khí tự nhiên hóa lỏng.
Ông nói thêm: "Bạn sẽ không nhìn thấy Mỹ đến giải cứu, bởi vì không có đủ cơ sở hạ tầng cho cả hai bên, phía Mỹ hoặc châu Âu và quan trọng nhất là phía châu Á, để giải quyết vấn đề này".
Thummel cho biết dự báo của mình về giá khí đốt đều phụ thuộc vào thời tiết. Một mùa đông bình thường giá có thể tăng nhẹ trong khoảng 3-4 USD. Nếu nhiệt độ ấm hơn, giá dự kiến có thể giảm xuống từ 2,5-3 USD. Mặt khác, nếu nhiệt độ giảm, giá có thể tăng vọt lên hai con số.
Trong khi Mỹ đang có một lợi thế so với châu Âu trước mùa đông năm nay, những biến động mạnh mẽ như vậy trên thị trường năng lượng ở nước ngoài thực sự có tác động phân tầng trên toàn cầu.
Tuần này, Credit Suisse đã nâng dự báo giá quý 4 lên hơn 60%, từ 3,50 USD/ MMBtu lên 5,75 USD/ MMBtu. Mặc dù mục tiêu mới cao hơn so với mức giá trung bình hàng năm, nhưng nó vẫn thấp hơn mức 6 USD trong tuần trước.
Trong khi đó, JPMorgan đã nâng dự báo giá trung bình 2022 từ 1,70 USD/ MMBtu lên 4,81 USD/ MMBtu với ghi chú có tiêu đề: "Chiều đi lên không thể tưởng tượng được, chiều đi xuống bị hạn chế".
Công ty chỉ ra rằng việc điều chỉnh dự báo ngay trước khi có báo cáo về thời tiết là bất bình thường. Nhưng sự bất thường lần này là có lý do. Các nhà phân tích nói rằng cần phải điều chỉnh các dự báo trước những "rủi ro đang ảnh hưởng đến sự cân bằng vào thời điểm hiện tại".
Đối với quý 4, JPMorgan dự kiến giá trung bình là 5,50 USD/MMBtu, điều này sẽ nâng giá trung bình của năm 2021 lên 3,65 USD/MMBtu.
Trong khi cuộc khủng hoảng năng lượng có thể là động lực chính của biến động giá, một số bất ổn cũng có thể là do các công ty Phố Wall bán khống hợp đồng vào đợt tăng giá lớn và sau đó buộc phải đảm bảo vị thế.
Theo CNBC