Ở những nhà hàng càng lớn, càng sang trọng thì việc cấm khách mang đồ ăn thừa về càng được thắt chặt hơn. Vì sao lại như vậy?
Trong một lần dùng bữa tại nhà hàng 2 sao Michelin ở Mayfair, Anh, cô gái Luisa Gottardo đã bị sốc vì cách hành xử của nhân viên phục vụ. Khi cô kết thúc bữa ăn bằng món Risotto (món cơm kiểu Italy) và không ăn hết đồ ăn trong đĩa, với tâm lý tiết kiệm, cô yêu cầu nhà hàng gói những thứ còn thừa vào hộp để mang về. Nhưng những gì cô nhận lại chỉ là cái lắc đầu, khi cô phàn nàn với quản lý, anh ta cũng thẳng thừng tiễn cô ra cửa và bảo rằng quy định của nhà hàng không cho phép khách đem đồ ăn thừa về.
Ảnh minh họa. |
Luisa không phải là trường hợp đầu tiên bị từ chối yêu cầu mang đồ ăn thừa về. Dù cho có hụt hẫng đi chăng nữa nhưng đây là những quy định ở các nhà hàng và bạn sẽ phải công nhận chúng hoàn toàn hợp lý khi nghe giải thích của các đầu bếp:
1. Nhà hàng không muốn phá vỡ phần trình bày của món ăn
Đồ ăn ở các nhà hàng lớn thường được trình bày không chỉ đẹp mắt khách hàng mà còn gần như trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Đó chính là đứa con tinh thần của những người đầu bếp danh tiếng với hi vọng khi chúng được bồi bàn mang ra, kết hợp với vẻ ngoài xinh đẹp của chiếc khăn trải bàn, cộng với không gian xung quanh cùng tiếng nhạc dương dương sẽ tạo được cảm giác ấn tượng cho khách.
Khách có thể không ăn hết nhưng các nhà hàng này cũng sẽ không bao giờ đồng ý cho khách gói mang về bởi một lẽ đơn giản, khi cho vào hộp rồi, phần trình bày sẽ không còn nữa. Điều đó một phần phá vỡ ý đồ sáng tạo ban đầu của đầu bếp và phần nữa là sẽ làm thực khách nghĩ rằng đồ ăn này cũng "thường" thôi. Họ sẽ giảm bớt sự hào hứng, phần khích nếu lần sau còn ghé qua. Đó được coi như là sự thất bại của bất cứ nhà hàng nào.
Thực khách đến ăn tại nhà hàng sẽ được phục vụ tận tình bởi đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp – được cung cấp những món ăn ngon đúng nhu cầu và hơn hết, đảm bảo được cả màu sắc, mùi vị của món ăn mà nếu mang về, những tiêu chuẩn này có nguy cơ bị phá hủy. |
2. Thức ăn có thể bị hỏng trong quá trình khách mang về
"Nếu đầu bếp đang nấu món gì đó trong một nhà hàng có tiếng tăm, thậm chí gắn sao Michelin, tôi tin rằng anh ấy muốn khách ăn ngay tại chỗ để có thể thưởng thức hương vị trọn vẹn nhất. Hơn thế nữa, các đầu bếp và quản lý nhà hàng luôn lo lắng nếu khách hàng đem đồ ăn về thì họ không thể kiểm soát chất lượng món ăn nữa, ai mà biết được những chuyện nghiêm trọng nào có thể xảy ra chứ?", Russell Norman - người đứng đầu chuỗi nhà hàng Polpo nổi tiếng ở Anh cho biết.
Ai cũng nghĩ những món ăn được chế biến, nấu chín kỹ thì vô hại. Nhưng vi khuẩn ngoài môi trường có thể bám vào suất ăn, phát triển nhanh và gây ra ngộ độc thực phẩm. Nghe có vẻ lo xa nhưng nếu khách thực sự đem đồ ăn về nhà và không biết cách bảo quản đúng, vi khuẩn có thể sinh sôi, dẫn đến khi ăn vào sẽ bị ngộ độc thực phẩm.
Và cả hai điều trên nếu xảy ra thì sẽ ảnh hưởng rất xấu đến danh tiếng của nhà hàng mặc dù có thể đó không phải là lỗi của họ. Ngoài bồi thường tiền viện phí cho khách, các nhà hàng còn lo sợ nhất là tin tức này bị lan ra, công việc kinh doanh sẽ khó khăn hơn.
Bên cạnh chính sách của một số nhà hàng, việc gói thức ăn về cho khách phụ thuộc vào quan điểm và thói quen của người dân ở từng quốc gia. Người dân Australia luôn tự nhận mình là những người sành ăn. Vì vậy, họ xấu hổ khi yêu cầu bồi bàn đóng gói thức ăn thừa để mang về nhà. Tại Mỹ, nhiều nhà hàng thường đề nghị gói thực phẩm để khách mang về trước khi bạn yêu cầu. Nhưng tại Pháp, điều này không thực hiện thường xuyên.
(Theo GiadinhNet)