Tỉnh muốn phát triển vùng Mộc Châu - Vân Hồ trở thành trung tâm phát triển kinh tế đa dạng từ du lịch đến nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến.
UBND tỉnh Sơn La đề nghị bổ sung cảng hàng không Mộc Châu vào Quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Văn bản do Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lê Hồng Minh ký khẳng định việc quy hoạch và đầu tư phát triển cảng hàng không Mộc Châu rất cần thiết, phục vụ mục đích an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế.
Tại văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo Sơn La chưa nêu rõ vị trí của cảng hàng không Mộc Châu. Tỉnh này khẳng định “lựa chọn tại vị trí thuận lợi, địa hình bằng phẳng, phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo quy mô khai thác, thuận lợi kết nối các tuyến giao thông đường bộ”.
Theo lãnh đạo tỉnh này, Sơn La là tỉnh có nhiều tiềm năng về tự nhiên như cảnh quan đẹp, khí hậu tốt, địa hình phong phú. Về xã hội, Sơn La có 12 dân tộc giàu bản sắc truyền thống.
Ngoài ra, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế du lịch phong phú, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Lượng khách đến với Sơn La đạt khoảng 2,5 triệu lượt người năm 2019, tăng trưởng khoảng 23% mỗi năm, trong đó tỷ lệ khách quốc tế là 31,9%, khách nội địa là 22,9%.
Lãnh đạo Sơn La chưa nêu rõ vị trí đề xuất xây dựng cảng hàng không Mộc Châu
Ngoài du lịch, Sơn La còn định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển khu công nghiệp Vân Hồ, các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp, nhà máy chế biến sữa.
Thống kê khảo sát cho thấy dự báo nhu cầu vận chuyển hành khách, trọng tâm là khách du lịch bằng đường hàng không trên địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ và vùng phụ cận tăng nhanh trong thời gian tới.
Theo đề xuất của Sơn La, cảng hàng không Mộc Châu được xác định là sân bay cấp 4E, đầu tư làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2030) xây dựng cảng hàng không dân dụng, thực hiện khai thác các tuyến bay nội địa hàng không thường kỳ và một số tuyến quốc tế với công suất dự kiến 1 triệu hành khách một năm. Giai đoạn 2 (sau năm 2030), dự kiến công suất là hai triệu hành khách một năm.
Kết cấu đường băng dự kiến có chiều dài từ 1.800 m. Về diện tích, sân bay Mộc Châu rộng khoảng 350 ha, đến năm 2050 mở rộng gấp đôi lên 500 ha. Dự kiến tổng mức đầu tư sân bay Mộc Châu khoảng 6.500 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Các đường bay nội địa từ Mộc Châu sẽ đi và đến TP.HCM, Đà Nẵng, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Phú Quốc... Những đường bay quốc tế được khai thác gồm khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong), khu vực Đông Nam Á (Viêng Chăn - Lào, Bangkok - Thái Lan, Kuala Lumpur - Malaysia, Jakarta - Indonesia...).
Trước đó hồi giữa tháng 8, UBND tỉnh Sơn La trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đầu tư xây dựng cảng hàng không Nà Sản. Tờ trình do Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh ký đề xuất xây sân bay tại huyện Mai Sơn, trên nền sân bay cũ với diện tích khoảng 249 ha (mở rộng thêm khoảng 78,5 ha).
Cảng hàng không Nà Sản được người Pháp xây dựng vào khoảng năm 1950. Đến đầu thập niên 60 khôi phục hoạt động nhưng sau một thời gian dừng khai thác do khách ít. Năm 1994, sân bay này được khai thác trở lại đến tháng 5/2004 lại đóng cửa vì hạ tầng không đáp ứng yêu cầu.
Việc đầu tư cảng hàng không Nà Sản mới được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng sân bay đạt cấp 4C và sân bay quân sự cấp 1 đạt công suất 1 triệu hành khách một năm. Trong giai đoạn 2, sẽ mở rộng các hạng mục để đạt công suất 2 triệu hành khách một năm.
Về quy mô, sân bay Nà Sản xây dựng đường cất hạ cánh có kích thước 2.600 x 45m, kết cấu bê tông xi măng đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và các máy bay quân sự Su27, Su30MK. Sân đỗ máy bay nằm phía Bắc có khả năng đáp ứng cho 5 tàu bay A320/321.
Sơ bộ tổng mức đầu tư sân bay Nà Sản theo lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La là 3.028 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 cần 2.560 tỷ đồng.