Một trong những lý do khiến con cá da trơn của Việt Nam ngày càng rẻ, tính cạnh tranh càng cao nhờ người nông dân đã làm chủ công nghệ sản xuất.
Làm chủ công nghệ đã giúp cá tra ngày càng rẻ
Gần 20 năm trước, Việt Nam thành công trong việc cho sinh sản nhân tạo cá tra, ba sa, tức là chủ động được nguồn giống thay vì phải đánh bắt cá con từ ngoài tự nhiên. Từ đó, ngành thủy sản Việt Nam tạo nên một cuộc cách mạng trong nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu.
Chế biến cá tra tại một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Ảnh: vtv.vn |
Ngoài con tôm, cá tra là một trong hai mặt hàng chủ lực mang về ngoại tệ cho Việt Nam. Nếu như con tôm của Việt Nam phải cạnh tranh với các nước trong khu vực châu Á, Nam Mỹ thì con cá tra gần như một mình một chợ và dễ dàng xuất khẩu đến hầu hết các thị trường nhờ chất lượng và giá cả cạnh tranh.
Một cuộc nghiên cứu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long cho thấy, trong nhiều năm qua, cơ cấu giá thành cá tra nguyên liệu chỉ ở mức dưới 8% giá thành, chi phí thuốc hóa chất cũng giảm từ 5% chi phí giá thành xuống còn 4,3%. Còn chi phí cho thức ăn cũng giảm xuống từ 81% xuống còn 77,3%.
Chính nhờ làm chủ công nghệ mà năng suất nuôi tra của Việt Nam không ngừng tăng lên. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), nếu trước đây, một héc ta mặt nước chỉ thu hoạch được 300 tấn cá tra, còn nay có thể cho sản lượng 500-600 tấn. Như vậy, chi phí giá thành nuôi cá tra ngày càng rẻ là một xu hướng tất yếu.
Điều này được thể hiện rõ trong bài viết "Cơ hội phát triển từ những thách thức trong quá trình hợi nhập quốc tế của ngành sản xuất cá tra Việt Nam" của tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng bộ môn quản lý và phát triển nghề cá, trường Đại học Nông lâm TPHCM, trong năm 1998, trước khi gia nhập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), lượng xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ chỉ ít ỏi với hơn 200 tấn. Nhưng đến năm 2002, sau khi Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam và ký kết Hiệp định thương mại song phương vào tháng 12-2001, sản lượng xuất khẩu cá tra, basa vào thị trường Mỹ đã lên đến gần 20.000 tấn.
Theo tiến sĩ Đức, sự gia tăng nhanh chóng này ngoài lý do là hàng rào thuế quan đối với sản phẩm thủy sản gần như đã được bãi bỏ còn có lý do nguồn cung cấp cá tra tăng nhanh chóng sau khi Việt nam đã thành công trong việc ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và kỹ thuật nuôi cá tra thịt trắng.
Ngoài ra, có một lý do nữa là trong những năm qua, đồng nội tệ thường có xu hướng năm sau xuống giá hơn năm trước so với đồng đô la Mỹ, điều này, giúp sản phẩm chế biến từ cá tra của Việt Nam sẽ rẻ hơn, có lợi thế xuất khẩu hơn. Với tất cả những lý do nêu trên, có thể đánh giá rằng cá tra của Việt Nam có lợi thế hơn cá nheo Mỹ rất nhiều về mặt giá thành.
Sức ép cạnh tranh đến từ chính sách bảo hộ
Theo tài liệu về loài cá nheo Mỹ (Ictalurus Punctatus) của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), đây là một loài bản địa của châu Mỹ, phân bố về phía nam Canada, đông bắc Mỹ cũng như phía bắc Mexico.
Theo FAO, cá nheo Mỹ được nuôi từ những năm 60 của thế kỷ 20 với diện tích nuôi ở Mỹ là 2.800 héc ta, sau đó tăng lên 36.000 héc ta vào những năm 1990, còn năng suất từ 700 kg/héc ta đã nâng lên 1.800 kg/héc ta. Mặc dù năng suất đã tăng lên, nhưng con số 1,8 tấn/héc ta vẫn là rất thấp khi so sánh với năng suất mấy trăm tấn trên một héc ta mà nông dân Việt Nam nuôi cá tra.
Cá nheo Mỹ đang được nuôi thử nghiệp tại Lào Cai năm 2017. Ảnh: Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ Lào Cai. |
Giai đoạn 1990 là thời điểm hoàng kim cá nheo Mỹ, tuy nhiên, vào những năm cuối thế kỷ 20, Việt Nam bắt đầu làm chủ công nghệ sản xuất cá tra giống và từ đây cuộc chơi đã thay đổi, cá tra của Việt Nam có chất lượng tốt, giá ngày càng rẻ đã trở thành một "thế lực" trên thị trường cá da trơn.
Ngày nay, cá nheo Mỹ có mặt ở 13 quốc gia trên thế giới, tổng sản lượng loài này trong năm 2014 là gần 400.000 tấn. Trong khi đó, cá tra của Việt Nam trong những năm qua ở mức trên 1 triệu tấn, tức là, chỉ một mình Việt Nam sản xuất ra đã gấp 2,5 lần sản lượng của 13 nước có nuôi cá nheo Mỹ cộng lại.
Từ những dữ liệu trên có thể nhận thấy, về năng suất, giá thành thì khó có một sản phẩm cá da trơn nào trên thế giới có thể cạnh tranh được với cá tra của Việt Nam. Vì thế, trong báo cáo về thị trường của FAO đã cho biết, người nuôi cá nheo Mỹ đã bị ảnh hưởng từ Việt Nam và những người nuôi cá nheo Mỹ muốn chính quyền “đánh thuế” nhập khẩu đối với cá tra Việt Nam như một cách để hỗ trợ các hộ nông dân nuôi cá bản địa.
Đó là lý do nhiều năm qua, cá tra của Việt Nam luôn bị đánh thuế cao, thậm chí là đến mức phi lý như phát biểu của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn trong buổi họp báo thường kỳ của ngành nông nghiệp hôm 3-4. Tuy nhiên, nếu theo dõi những diễn biến trên chính trường Mỹ kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận chức, chuyện cá tra bị đánh thuế cao sẽ không còn là điều "phi lý”, bởi một trong những thông điệp tranh cử của vị tổng thống này là những biện pháp bảo hộ nền sản xuất trong nước.
Mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ trong bài phát biểu nhân Ngày Nông nghiệp của quốc gia này có nhắc đến cán cân thương mại với Việt Nam, nhắc đến đạo luật Farm Bill - nơi đưa ra những quy định làm cơ sở để nước này “đánh thuế” cá tra nhập khẩu từ Việt Nam, đồng thời với đó là lời hứa sẽ làm cho “ngành nông nghiệp Mỹ mạnh mẽ trở lại”.
Thuế quan vẫn luôn là giải pháp được nhiều nền kinh tế chọn lựa để tại nên rào cản trong hoạt động giao thương với nước ngoài, đặc biệt trong mục tiêu bảo hộ nền sản xuất trong nước. Do đó, đường đi của con cá tra Việt Nam đến Mỹ chắc chắn sẽ gặp nhiều gian nan và thử thách hơn trong thời gian sắp tới. Vấn đề là các nhà quản lý, doanh nghiệp và cả người nông dân chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua những rào cản đó như thế nào, để cho sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản đi theo hướng ổn định lâu dài.