Trong cuộc họp hàng tháng diễn ra ngày 04/01/2022, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã thống nhất sẽ duy trì chính sách sản lượng trong tháng 02/2022. Theo đó, hạn ngạch sản xuất trong tháng sau sẽ được tăng lên 400.000 thùng/ngày.
Về mặt lý thuyết, khi sản lượng tăng lên thì giá sẽ giảm nhưng phản ứng thực tế của các nhà đầu tư lại theo chiều hướng ngược lại, lực mua liên tục gia tăng và đẩy giá Brent lên mức 80 USD/thùng. Vậy đâu là lý do khiến cho thị trường diễn biến như vậy?
Lý do OPEC+ duy trì chính sách sản lượng
Trong những tháng vừa qua OPEC+ đã liên tục duy trì chính sách gia tăng sản lượng bất chấp nhiều rủi ro giảm giá như biến thể mới Omicron và kỳ vọng về tình trạng thặng dư trong đầu năm 2022.
Một vài nguyên nhân chính dẫn đến quyết định này là do OPEC+ muốn đưa ra một chỉ dẫn nhất quán cho thị trường, dự đoán thặng dư trong năm sau đã được điều chỉnh giảm, biến thể Omicron dự kiến sẽ không có ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu và tổng sản lượng thực tế của cả nhóm có thể sẽ không nhiều như số liệu đưa ra.
Theo một tài liệu nội bộ của OPEC+, thặng dư nguồn cung trong tháng 01 và tháng 02/2022 sẽ đạt 0,8 triệu thùng/ngày và 1,3 triệu thùng/ngày. Mức thặng dư nguồn cung được điều chỉnh giảm gần một nửa so với số liệu đưa ra vào tháng 12/2021 là yếu tố tích cực lớn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh một loạt các tổ chức uy tín đều đưa ra dự đoán rằng nguồn cung sẽ thặng dư vào đầu năm sau. Có thể nói rằng bức tranh thị trường toàn cảnh đã được cải thiện khá nhiều kể từ tháng 12, thúc đẩy giá dầu tăng ngay sau kết quả cuộc họp tuần này.
Một phần nguyên nhân dẫn đến sự cắt giảm này có thể là do OPEC+ không kỳ vọng biến thể mới Omicron sẽ gây ảnh hưởng quá nhiều tới nhu cầu dầu thô toàn cầu. Không chỉ vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho rằng Omicron chưa cho thấy ảnh hưởng nặng nề hơn so với các biến thể khác.
Giá dầu thô đã có một đợt điều chỉnh giảm mạnh kể từ ngày 26/10/2021 khi các thông tin ban đầu về Omicron được đưa ra. Lo ngại về nhu cầu tại các quốc gia tiêu thụ lớn khi các biện pháp phong tỏa được tái áp dụng đã góp phần vào đợt điều chỉnh này nhưng cho đến ngày hôm nay thì giá đã phục hồi trở lại. Do đó, các biến thể mới vẫn sẽ là một yếu tố quan trọng kìm hãm đà tăng của dầu thô trong thời gian tới nhưng nếu không có bằng chứng về ảnh hưởng đến nhu cầu thì giá dầu khả năng cao sẽ chưa thể giảm sâu hơn.
Sản lượng thực tế của OPEC+
Mặc dù hạn ngạch sản xuất của OPEC+ được tăng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng sau nhưng dựa vào số liệu của những tháng gần đây thì có thể hiểu được rằng tổng sản lượng thực tế của nhóm sẽ không thể cao như kỳ vọng. Một số quốc gia trong nhóm đang chưa thể tăng sản lượng theo kế hoạch do gặp phải khó khăn trong khâu sản xuất.
Ngay cả khi các nước sản xuất hàng đầu có đủ công suất sản xuất dự phòng để bù đắp cho sụt giảm của những nước này thì đây cũng không phải giải pháp vì quy định OPEC+ không cho phép điều này xảy ra. Nguyên nhân chính là vì khi các quốc gia sản xuất ít hơn hạn ngạch cho phép có thể tăng sản lượng trở lại thì các nước tăng sản lượng để bù đắp cho phần thiếu hụt sẽ không thể giảm sản lượng nhanh chóng mà không phải chịu thiệt hại về tài chính.
Hướng đi tiếp theo của OPEC+ trong những tháng tới
Bất chấp lời kêu gọi từ Mỹ cũng như các quốc gia tiêu thụ lớn về việc tăng sản lượng thêm nữa, OPEC+ vẫn duy trì mức tăng hiện tại vì họ cho rằng thị trường dầu chưa cần thêm nguồn cung. Để đáp trả lại hành động này, Mỹ và các nước châu Á đã phối hợp để giải phóng dầu thô từ kho dự trữ nhằm hạ nhiệt giá nhưng không đạt được nhiều kết quả.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), OPEC+ khả năng cao vẫn sẽ duy trì chính sách mà theo đó sản lượng sẽ được tăng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng vì kế hoạch của họ cho thấy sự hiệu quả cao. Bên cạnh đó, với mức giá cao hiện nay thì các nhà sản xuất lớn hoàn toàn có động cơ để sản xuất thêm và thu về nhiều lợi nhuận hơn.