Các nhà đầu tư đã đổ xô vào lĩnh vực tiền điện tử với mục tiêu thu lợi nhuận mà không liên quan đến các loại tài sản truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu, kim loại quý. Họ cũng coi tiền điện tử như một biện pháp chống lại lạm phát gia tăng.
Nhưng hai biểu đồ mô tả hiệu suất tương đối trong bối cảnh thị trường chứng khoán điều chỉnh gần đây làm sáng tỏ rằng Bitcoin có tương quan với chứng khoán nhiều hơn một số người vẫn nghĩ.
Khi chứng khoán giảm gần 20% trong quý IV năm 2018, Bitcoin giảm tới 50%, trong khi đó vàng giao dịch tăng gần 8%. Sự bất ổn của thị trường xảy ra bởi chính sách diều hâu của Cục Dự trữ Liên bang và lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại do thuế quan thương mại.
Biểu đồ thứ hai là thời điểm bùng phát dịch Covid-19 đầu năm 2020. Bitcoin khi đó một lần nữa giảm gần 50% trong khi chứng khoán giảm tới 34%. Giữa sự "tàn sát" của các rủi ro, vàng được giao dịch ổn định, một lần nữa chứng tỏ vị thế như một tài sản trú ẩn an toàn.
Ngày 24/1, trong bối cảnh S&P 500 giảm gần 7% kể từ đầu năm 2022, Bitcoin giảm 17%, thì vàng đi ngang. Dữ liệu rõ ràng cho thấy Bitcoin không còn là hàng rào chống lại lạm phát. Thay vào đó, tiền điện tử là tài sản rủi ro dễ bốc hơi, hoạt động tốt khi cổ phiếu tăng giá và ngược lại.
Nhà phân tích kỹ thuật Katie Stockton của Fairlead Strategies đã nhấn mạnh thực tế này trong một lưu ý ngày 21/1. Bà nói: "Tính đến thời điểm hiện tại, mối tương quan giữa Bitcoin và điểm chuẩn tăng trưởng cao ARKK vẫn ở mức 60%, trong khi so với giá vàng là 14%. Điều này nhắc chúng tôi phân loại Bitcoin và altcoin là tài sản rủi ro hơn là nơi trú ẩn an toàn".
Một lý do khiến vàng hoạt động như một nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường hỗn loạn là do vàng có lịch sử kéo dài hàng nghìn năm. Trong khi đó, Bitcoin chỉ vừa mới mừng sinh nhật lần thứ 13.
Khi nói đến việc đầu tư dựa trên bằng chứng, các nhà đầu tư coi trọng dữ liệu hơn. Vàng có đủ dữ liệu để minh chứng vị thế của nó như một tài sản trú ẩn an toàn, còn Bitcoin thì không.
Tham khảo BI