Ông Trump bị chỉ trích
Đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump đang chĩa búa rìu về phía Tổng thống khi cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tấn công đồng minh của họ ở Syria. Các chiến dịch không kích của Ankara đang khiến nhiều nghị sĩ Mỹ phẫn nộ. Nó cũng tạo ra sự thống nhất hiếm có giữa các ông nghị Mỹ về những rủi ro cho người Kurd, lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, ổn định trong khu vực cũng như cuộc chiến chống IS.
Theo các thống kê, nhóm chiến binh người Kurd đã mất khoảng 11.000 người trong cuộc chiến chống IS của Mỹ ở Syria. Khi Thổ Nhĩ Kỳ dội bom xuống Syria, phóng viên CNN có mặt tại khu vực cho biết một sự tuyệt vọng bao trùm. Phụ nữ, trẻ em và cả đàn ông vội vã trốn chạy tới nơi an toàn. Nhiều người trong số đó phải ngồi xe lăn.
Các nhóm nhân đạo cho biết, các vụ không kích có thể ảnh hưởng tới khoảng 300.000 thường dân. Trong khi đó, ông Trump biết rõ về quy mô các hoạt động quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành.
Những thông tin từ thực địa Syria càng khiến các ông nghị Mỹ nổi giận, bao gồm cả các nghị sĩ Cộng hòa, cựu nghị sĩ hay các cựu quan chức. Sự im lặng của quân đội Mỹ càng khiến sự bức xúc trở nên rõ rệt.
"Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiến Syria từ phía bắc, các lực lượng được Nga hậu thuẫn tiến xuống từ phía nam, IS tấn công Raqqa. Không thể hiểu tại sao ông Donald Trump lại khiến các đồng minh của Mỹ bị tàn sát và cho phép IS trở lại", Hạ nghị sĩ Liz Cheney, người có ảnh hưởng thứ 3 của đảng Cộng hòa, chỉ trích.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio nhấn mạnh, theo yêu cầu của Chính quyền Trump, người Kurd chính là những chiến binh chính trên mặt trận chống IS ở Syria. Sự hiện diện của họ khiến máu người Mỹ không cần phải đổ xuống. Tuy nhiên, việc bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công các nhóm người Kurd sẽ đẩy lực lượng này trước nguy cơ bị quét sạch.
"Nó gây thiệt hại cho danh tiếng và lợi ích quốc gia của Mỹ. Những tác động này sẽ rất lớn và kéo dài", ông Rubio nhận định.
Một số thượng nghị sĩ khác đòi hỏi ông Trump phải trừng phạt ngay lập tức đối với các quan chức chính phủ cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ, cấm tất cả các giao dịch quân sự và kinh doanh của Mỹ với quốc gia này và ngay lập tức kích hoạt lệnh trừng phạt năm 2017 cho đến khi Ankara ngừng các hoạt động chống người Kurd.
"Cuộc tấn công bất hợp pháp và không chính đáng này nhằm vào một người bạn, một đối tác của Mỹ, đe dọa tính mạng và sinh kế của hàng triệu thường dân, những người đã liều mạng trốn khỏi những khu vực khác ở Syria để tìm đến vùng an toàn này", hai nghị sĩ Lindsey Graham và Chris Van Hollen cho biết trong một tuyên bố chung.
Các nghị sĩ này cũng cảnh báo hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến IS hồi sinh tại Syria, tạo lợi thế cho đối thủ của Mỹ bao gồm al-Qaeda, Iran và Nga cũng như phát động một cuộc xung đột bất tận khác. Cho đến nay, khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ vừa tiến quân vào được coi là nơi an toàn và ổn định nhất của Syria sau nhiều năm chìm trong nội chiến.
Lý luận theo cách của ông Trump
Cả Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao đều đã khuyên ông Trump không bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào khu vực. Họ nhấn mạnh rằng cần có sự hiện diện của Mỹ để chống IS cũng như kiềm tỏa IS và Nga, hai quốc gia đang có những ảnh hưởng sâu rộng tại Syria.
Tuy nhiên, ông Trump đã không nghe theo lời các cố vấn. Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Nhà Trắng cho biết quân đội của họ sẽ di chuyển ra ngoài khu vực, không hỗ trợ hay tham gia vào chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Dẫu vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đội vào khu vực khiến Lực lượng Dân chủ Syria, liên minh từng đảm trách các nhiệm vụ chống IS do Mỹ hậu thuẫn, đã tuyên bố dừng các chiến dịch nhằm vào lực lượng khủng bố sau "cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ".
Về phần mình, ông Trump nhấn mạnh các tù nhân IS không có cơ hội trốn thoát khỏi các nhà tù của người Kurd. Trong trường hợp lực lượng này trốn thoát, đó là vấn đề của châu Âu chứ không phải của Mỹ. "Chúng sẽ trốn sang châu Âu vì đó là nơi chúng muốn đến", ông Trump nhấn mạnh trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng.
Quyết định của ông Trump khiến người Kurd cảm thấy rất căm phẫn. Trong cuộc chiến chống IS, khoảng 11.000 chiến binh của lực lượng này đã bỏ mạng. Tuy nhiên, ông Trump lại lấy một lý do khó chấp nhận để nói về việc bỏ rơi lực lượng này.
"Họ chẳng giúp gì chúng ta trong thế chiến 2. Họ chẳng giúp gì chúng ta trong chận Normandy chẳng hạn. Họ chỉ giúp đỡ chúng ta trên chính mảnh đất của họ và đó chính là điều khác biệt", ông Trump nói về lý do quay lưng với người Kurd.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng sai lầm khi coi việc Mỹ rút quân khỏi đông bắc Syria là việc bật đèn xanh cho sự tàn sát người Kurd. Tuy nhiên, ông Pompeo cũng không xác nhận rõ ràng lực lượng này là đồng minh của Mỹ.