Cho rằng vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản trong năm 2019 là khoảng 3,31 tỷ USD, chủ yếu thông qua hình thức M&A, ông Thân Thành Vũ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam nhận định, con số này sẽ còn gia tăng trong năm 2020. Bởi các nhà đầu tư nước ngoài không rành thủ tục pháp lý, kinh doanh bất động sản tại Việt Nam nên hình thức M&A sẽ là con đường ngắn nhất để tiếp cận thị trường.
Hơn nữa, thông qua hình thức này, các doanh nghiệp cũng có thể dễ dàng chọn lựa dự án sở hữu vị trí đẹp, có hạ tầng hoàn thiện…
So sánh với các nước trong khu vực như Singapore, Hồng Kông, Việt Nam là một thị trường mới nổi và có lợi nhuận hấp dẫn nên sẽ tiếp tục được nhiều nhà đầu tư săn tìm cơ hội.
Xuất hiện những "cơn sóng lạ"
Trước đó, nhận định về thị trường M&A giai đoạn 2019-2020, nhiều chuyên gia đã dự đoán về sự xuất hiện một "cơn sóng lạ" như mua lại các khu công nghiệp, chuỗi khách sạn hay chuỗi nhà hàng…
Một điểm khác biệt khác của xu hướng M&A được các chuyên gia chỉ ra là trong những năm gần đây, thị trường xuất hiện nhiều giao dịch mua bán cổ phần từ 49-76%, thay vì giới hạn phải mua đứt dự án. Các nhà đầu tư, đặc biệt là nước ngoài, vẫn luôn để mở phương án hợp tác với nhà đầu tư trong nước để vừa được hỗ trợ trong quá trình hoàn tất pháp lý, vừa để hỗ trợ tìm hiểu văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Xét theo từng loại hình, ông Raymond Clement - Giám đốc điều hành Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết, dưới tác động của dịch COVID-19, các thương vụ M&A bất động sản nghỉ dưỡng sẽ được thúc đẩy nhanh hơn khi việc đàm phán để đưa ra mức giá phù hợp dễ dàng hơn trước.
Phân khúc được các nhà đầu tư quan tâm nhất trong năm nay được dự báo là văn phòng và đất dự án để thực hiện các khu phức hợp căn hộ và thương mại dịch vụ. Đối với phân khúc khách sạn, những sản phẩm nằm ở vị trí đắc địa vẫn sẽ được quan tâm tuy nhiên giá chào bán sẽ bị sụt giảm.
Với dự án đất xây dựng, nếu quy trình xin phê duyệt tổng mặt bằng và quy hoạch kiến trúc đến cấp giấy phép xây dựng không được đẩy nhanh tiến độ thì chủ đầu tư sẽ bị đọng vốn và không thể chuyển nhượng khi giấy phép chưa hoàn tất.