Bức tranh M&A nhiều màu sắc tại Việt Nam
Thương vụ Thaibev mua lại 53% Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn ( SABECO ) với giá trị 4,8 tỷ USD là thương vụ M&A lớn nhất năm 2017 cũng như lịch sử M&A Việt Nam. Tuy nhiên, M&A tại Việt Nam không chỉ có doanh nghiệp ngoại mua doanh nghiệp Việt.
Vinfast mua lại hoạt động sản xuất và phân phối của GM Việt Nam, hay thương vụ có giá trị 30 triệu USD của FPT khi mua 90% cổ phần công ty tư vấn công nghệ Mỹ là những ví dụ về sự chủ động mua bán của doanh nghiệp Việt trong năm qua.
Tuy nhiên, M&A tại Việt Nam hiện không chỉ là cuộc chơi của các cái tên lớn. Theo Báo đầu tư, trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, với quy mô 5 – 6 triệu USD (tương đương 100 – 120 tỷ đồng), các giao dịch nhỏ chiếm tỷ trọng lớn về số lượng thương vụ M&A tại nước ta.
Tại hội thảo "Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá" diễn ra sáng 11/8 tại Hà Nội, ông DC Choi, Phó Giám đốc văn phòng KOTRA tại Hà Nội – người hỗ trợ các nhà đầu tư Hàn Quốc trong việc hoạch định chiến lược và tài chính cho nhiều giao dịch M&A xuyên quốc gia – trong đó có Việt Nam – cho biết: "Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam mà KOTRA tại Hà Nội đang nhắm tới là công ty vừa và nhỏ. Miễn là họ có tiềm năng và sự quản trị tốt, thì chắc chắn có thể hợp tác."
Hội thảo "Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá"
M&A thành công giữa 2 doanh nghiệp sẽ không chỉ mang lại lợi ích kiểu 1 + 1 = 2, mà còn nhiều hơn thế. Ngoài những giá trị hữu hình như kết quả kinh doanh, thị phần..., doanh nghiệp còn đạt được các giá trị vô hình như quản trị công ty, chất lượng nhân lực sau M&A.
Nhiều thương vụ "đứt gánh giữa đường" vì thông tin thiếu minh bạch
Tuy nhiên, tại hội thảo, ông DC Choi cho hay nhiều thương vụ bị "đứt gánh giữa đường" vì thiếu sự minh bạch và thiếu thông tin, đặc biệt khi có sự tham gia của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông DC Choi, Ảnh: Internet
Ông DC Choi nói thêm: "Thử thách đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam trong M&A là việc thành lập mội đội ngũ chiến lược nội bộ, có thể nói tiếng Anh và làm việc với các đối tác quốc tế."
Trước đó, tại diễn đàn M&A Việt Nam 2018 diễn ra tại TPHCM, KPMG Việt Nam công bố quá trình thẩm định đầu tư, chỉ dưới 40% thương vụ được thực hiện và chất lượng thông tin là lý do ảnh hưởng đến tỷ lệ này.
Ngoài ra, ông Lê Viết Anh Phong, Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn tài chính, Công ty Deloitte Việt Nam (công ty kiểm toán và tư vấn quốc tế, hỗ trợ nhiều thương vụ M&A giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam) cho hay chủ doanh nghiệp bên bán không sẵn lòng chia sẻ thông tin cho bên mua.
Ông Phong còn cho hay thách đố mà những khách hàng của ông thường xuyên gặp phải chính là câu chuyện định giá . Theo đó, bên bán thường không đưa đủ thông tin, cơ sở cho định giá, trong khi bên mua lại mong muốn giá hợp lý, có đa dạng biến so sánh trên thị trường. (Theo Đầu tư chứng khoán).
Phát biểu tại hội thảo "Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá," ông Nigel Descombe (Giáo sư – chuyên gia quản trị chiến lược quốc tế) cho hay, bước đầu tiên và quan trọng nhất cho một chiến lược M&A thành công là hiểu mục tiêu của doanh nghiệp với thương vụ. Sau đó là tiến hành đánh giá các cơ hội khác nhau, cân nhắc văn hóa công ty mục tiêu và xem xét thông tin về tài chính.
Tổng giá trị thương vụ M&A giai đoạn 2009 – 2018 đạt 48,8 tỷ USD với hàng ngàn giao dịch, trong đó riêng năm 2017, giá trị M&A đạt mốc kỷ lúc 10,2 tỷ USD. Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 dự báo, giá trị các thương vụ M&A trong năm 2018 có thể đạt 6,5 tỷ USD với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.