Bắt đường dây đa cấp núp bóng đầu tư tài chính
Năm 2019, Cơ quan điều tra bắt đường dây lừa đảo đầu tư tài chính dưới hình thức đa cấp biến tướng. Các đối tượng tội phạm là người nước ngoài vào Việt Nam câu kết với các đối tượng trong nước dùng thủ đoạn thành lập văn phòng “ma” mạo danh đại diện Tập đoàn tài chính nước ngoài, đưa ra các gói đầu tư tài chính lãi suất cao để dụ dỗ người dân. Sau khi thu được một khoản tiền lớn, các đối tượng người nước ngoài lập tức “ôm tiền” về nước…
Theo cơ quan điều tra, chủ mưu cầm đầu đường dây lừa đảo này là Wu Run Hua và Anson Yang. Hai đối tượng này nhập cảnh vào Việt Nam từ năm 2014, 2016. Sau đó, thông qua người phiên dịch, các đối tượng đi tìm và lôi kéo một số người Việt Nam thực hiện kế hoạch lừa đảo. Anson Yang tự giới thiệu là giám đốc marketing của công ty GGV, thuộc Tập đoàn GGV (Global Gaming Ventures Limited) có trụ sở tại Vương quốc Anh, hoạt động trong lĩnh vực casino, cá cược, có lượng thành viên lên tới trên 50.000 người khắp toàn cầu.
Để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, Wu Run Hua nhờ khoảng 10 người Việt Nam đứng ra mở tài khoản ngân hàng tại Đà Nẵng. Khi có tiền của nhà đầu tư chuyển vào các tài khoản này (theo chỉ định của các đối tượng khi nhà đầu tư tham gia) thì những người mở tài khoản trên sẽ trực tiếp đến ngân hàng rút tiền và chuyển cho Wu Run Hua.
Tiếp tay cho Wu Run Hua và Anson Yang là một số đối tượng người Việt Nam, trong đó có Đoàn Văn Đạt. Tháng 4/2016, Đạt được 2 người phụ nữ ở Hà Nội và TPHCM giới thiệu đầu tư vào dự án của công ty GGV và gặp trực tiếp Anson Yang.
Cơ quan chức năng đã lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đoàn Văn Đạt (SN 1979, ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng), đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, làm thủ tục truy nã quốc tế đối với Wu Run Hua (SN 1987, quốc tịch Trung Quốc), Yeo Alex Siak Chuan tức Anson Yang (SN 1979, quốc tịch Singapore) cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Mất tiền tỷ vì chủ sàn bỏ trốn
Mới đây nhất, 50 nhà đầu tư tại TPHCM gửi đơn tố cáo ông PHN sử dụng sai số tiền 60 tỷ đồng do nhà đầu tư ủy thác. Số tiền này không có hợp đồng, văn bản thỏa thuận mà chỉ có tin nhắn trao đổi trong nhóm chát, lệnh chuyển tiền qua ngân hàng. Nhóm nhà đầu tư tố cáo cũng cho biết, ủy thác đầu tư Forex khiến mất vốn.
Trước đó, 21 người dân TPHCM cùng ký vào đơn tố cáo gửi lên Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cơ quan công an TPHCM về hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của Công ty cổ phần Forex Toàn Cầu. Theo đó, do không thể liên lạc với ông Nguyễn Hoàng Quân, Giám đốc Công ty cổ phần Forex Toàn Cầu, trụ sở công ty tại TPHCM cũng đóng cửa, nhà đầu tư gửi đơn đến cơ quan chức năng nhờ hỗ trợ.
Theo hợp đồng hợp tác giữa hai bên, nhà đầu tư mở một tài khoản tại một sàn giao dịch Forex (đầu tư ngoại hối), sau đó ủy thác cho Công ty cổ phần Forex Toàn Cầu đầu tư. Công ty này đảm bảo hoàn trả tiền gốc đầy đủ, ba tháng quyết toán một lần. Lãi suất 3,5%/tháng, mỗi tháng trả một lần. Tin vào những lời cam kết và mức lãi suất hấp dẫn, nhiều người đã gửi từ 220-750 triệu đồng. Tính sơ bộ, số tiền mà Công ty cổ phần Forex Toàn Cầu đang giữ của 21 nhà đầu tư ký tên trong đơn tố cáo vào khoảng 7,5 tỷ đồng.