Hàng giả hàng nhái ngày càng tinh vi nhằm đánh lừa người tiêu dùng và che mắt các cơ quan quản lý. Tuy nhiên không ít người tiêu dùng biết là hàng giả nhưng vẫn "nhắm mắt" mua khiến hàng giả, hàng nhái càng có đất sống.
Mới đây, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Đội Quản lý thị trường số 15 thuộc Chi cục quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát môi trường quận Hoàng Mai kiểm tra cơ sở kinh doanh tại ngõ 125 Nguyễn Đức Cảnh quận Hoàng Mai do ông Phạm Văn Hiệp làm chủ.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 2.000 sản phẩm với những loại mặt hàng gồm: Sữa, bột trứng, nước cai thuốc lá, tinh dầu gấc, trị mụn, trị sỏi thận… không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Ông Hiệp khai nhận số hàng hóa trên được nhập từ nhiều cơ sở khác nhau ở TP.HCM, được đóng gói và dán nhãn mác "Đông y gia truyền dân tộc Dao" để bán cho người dân có nhu cầu trên mạng xã hội.
Thực trạng hiện nay, tình trạng mỹ phẩm, dược phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc được gắn mác gia truyền hay thiên nhiên bán tràn lan trên mạng xã hội.
Đội Quản lý thị trường số 9 thuộc Chi cục QLTT Thanh Hoá phối hợp với Đội Chống buôn lậu - Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm tra Công ty TNHH TMDV Hoàng Bảo An do ông Lê Vũ Hoàng làm Giám đốc, có trụ sở đăng ký tại địa chỉ 26 Trần Đức, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa.
Qua kiểm tra kho hàng của công ty, lực lượng chức năng phát hiện một số công nhân đang có hành vi sang chiết, đóng hộp mỹ phẩm chăm sóc da các loại. Lực lượng chức năng đã thu giữ: 1305 hộp mặt nạ ngủ Collagen Haley Natural 100% tổ yến tươi và hoa cúc La mã, hoa anh đào loại 250g/hộp; 30 gói Collagen Haley Natural tinh chất hồng sâm vàng 24k trắng da và Haley Natural tinh chất hoa nhài tươi loại 100g/gói; 360 lọ mặt nạ gel vàng Nano trắng da nhãn hiệu Lyhazi Natural loại 100g/lọ; 15 hộp bột sữa rửa mặt thảo dược Lyhazi Natural.Tất cả các sản phẩm nêu trên đều dán nhãn bao bì ghi thông tin phân phối bởi Công ty Hoàng Bảo An.
Theo kết quả điều tra ban đầu, Cty TNHH TMDV Hoàng Bảo An không có giấy phép sản xuất mỹ phẩm và không có hồ sơ đăng ký chất lượng sản phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp. Từ tháng 11/2017 đến khi bị phát hiện, Cty Hoàng Bảo An đã đặt mua nguyên liệu, lọ thủy tinh có nguồn gốc từ Trung Quốc và đặt in tem, nhãn, vỏ hộp, sau đó thuê công nhân san chiết, đóng gói ra các loại mỹ phẩm rồi phân phối cho các đại lý và các trung tâm Spa ở các huyện, thị xã trong tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình.
Đây chỉ là hai trong số hàng trăm, hàng nghìn các vụ việc hàng giả, hàng nhái đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều mặt hàng bị làm giả nhưng chưa bị phanh phui, từ những thứ nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày như mì chính (bột ngọt), nước uống đóng chai, giấy vệ sinh, tã cho trẻ em giá vài nghìn đồng cho đến những thỏi son, chai nước hoa giá tiền triệu hoặc những chiếc túi xách giá hàng chục triệu đồng đều bị làm giả và bán tràn lan với mức giá siêu rẻ, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Nhiều đường dây sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái thậm chí đã tồn tại trong một thời gian dài mà vẫn ngang nhiên hoạt động. Những năm gần đây khi người tiêu dùng đặt niềm tin vào thương hiệu Việt hơn, thì những người kinh doanh lại tìm cách lấy hàng nước khác (từ các thị trường ít được ưa chuộng hơn) để đội lốt hàng Việt.
Có thể kể vụ việc nổi cộm gần đây như vụ tráo mác nhà sản xuất, lợi dụng thương hiệu nhằm nâng giá lên hàng chục lần của thương hiệu Khải Silk. Trước những "sóng gió" dư luận tố khăn lụa Khải Silk gắn 2 nhãn mác Trung Quốc và Việt Nam, Hoàng Khải - ông chủ Tập đoàn Khải Silk đã thừa nhận bán lụa Trung Quốc từ giữa những năm 90 khi ngành sản xuất tơ lụa Việt Nam suy thoái. Vụ việc này không những tạo lên "làn sóng" phẫn nộ từ những người tiêu dùng, ảnh hưởng vật chất mà còn làm sụt giảm niềm tin người tiêu dùng vào thương hiệu Việt.
Song cũng không thể phủ nhận được, một trong những nguyên nhân khiến hàng giả hàng nhái chưa được xử lý triệt để do nạn làm hàng giả ngày càng kín đáo và tinh vi hơn. Những xưởng sản xuất hàng giả, hàng nhái hầu như không tập trung làm tại một địa điểm như trước mà chia nhỏ ra mỗi nơi làm một công đoạn, sau đó gom lại đem tiêu thụ ngay nên ít bắt được số lượng lớn, trừ khi nắm thông tin chính xác đang có lô hàng tập trung chuẩn bị xuất khẩu. Hầu hết các thương hiệu có uy tín đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái, mẫu mã thay đổi liên tục và tinh vi, thậm chí tem chống hàng giả cũng bị làm giả.