Trong thập kỷ qua, Mark Zuckerberg, Jeff Bezos và Peter Thiel đều đã đổ tiền vào nghiên cứu kéo dài tuổi thọ và chống lão hóa. Elon Musk, giám đốc điều hành Tesla và SpaceX, thì không đồng tình với điều đó.
Elon Musk gần đây đã nói với Insider rằng: "Tôi nghĩ chúng ta không nên cố gắng để con người sống thật lâu. Điều đó sẽ khiến xã hội trở nên ngột ngạt, bởi sự thật là hầu hết mọi người không thay đổi suy nghĩ. Họ chỉ chết đi. Vì vậy, nếu chúng ta không chết, chúng ta sẽ bị mắc kẹt với những ý tưởng cũ và xã hội sẽ không tiến lên".
Đó là một quan điểm trái ngược, ít nhất là đối với các tỷ phú ở Thung lũng Silicon. Nhiều người trong số họ đã dày công đầu tư vào nghiên cứu kéo dài tuổi thọ. Cho đến nay, rất ít, có lẽ là không có, khoản đầu tư nào trong số đó đã thành công.
Vào tháng 9 năm 2021, MIT Technology Review báo cáo rằng tỷ phú Jeff Bezos đã đầu tư một khoản tiền vào công ty khởi nghiệp chống lão hóa Altos Labs. Công ty chính thức ra mắt vào đầu năm 2022.
Theo thông tin trên trang web, công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại San Francisco này tập trung vào "lập trình trẻ hóa tế bào", một phương pháp lý thuyết để đảo ngược bệnh tật, chấn thương và tàn tật.
Tỷ phú Bezos và Thiel cũng đã đầu tư vào Unity Biotechnology. Đây là công ty có trụ sở tại South San Francisco nghiên cứu "tế bào lão hoá". Các tế bào này ngừng phân chia khi chúng bắt đầu già đi. Theo trang web của công ty, ý tưởng của họ là phát triển "các loại thuốc biến đổi để làm chậm, ngăn chặn hoặc giữ lại các bệnh của quá trình lão hóa".
Unity Biotechnology đã huy động được hơn 300 triệu USD tài trợ trước khi ra mắt công chúng vào năm 2018. Tính đến chiều ngày 11/4, vốn hóa thị trường của công ty là 73,06 triệu USD, giảm đáng kể so với mức đỉnh tháng 9/2018 là gần 972 triệu USD.
Tỷ phú Peter Thiel có lẽ là một trong những người đề xuất nghiên cứu chống lão hóa nổi tiếng nhất ở Thung lũng Silicon. Thiel đã giúp đỡ một công ty khởi nghiệp có tên là Ambrosia nhằm thực hiện lại một phương pháp thử nghiệm từ những năm 1950 là "thay máu người trẻ cho người già".
Các nghiên cứu không đưa ra kết luận cụ thể, nhưng công ty Ambrosia có trụ sở tại California vẫn bắt đầu các thử nghiệm ở người. Họ tiêm máu của những người dưới 25 tuổi vào những người từ 35 tuổi trở lên và khẳng định tác dụng trẻ hóa.
Thiel nói với Insider vào năm 2015: "Đó là một trong những điều rất kỳ lạ khi mọi người đã thực hiện những nghiên cứu này vào những năm 1950 và sau đó nghiên cứu bị bỏ rơi hoàn toàn".
Năm 2019, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra cảnh báo về liệu pháp "thay máu". Công ty Ambrosia ngày nay dường như không còn hoạt động.
Điều đó cũng không ngăn cản được các tỷ phú công nghệ khác theo đuổi các mục tiêu tương tự . Zuckerberg và vợ Priscilla Chan là những người đồng sáng lập Giải thưởng Đột phá (Breakthrough Prize). Giải thưởng hàng năm trao 3 triệu USD cho các nhà khoa học đã tạo ra "những tiến bộ mang tính thay đổi đối với hiểu biết về hệ thống sự sống và kéo dài tuổi thọ con người".
Zuckerberg nói tại một sự kiện của Facebook năm 2015: "Tôi quan tâm nhất là những câu hỏi về con người. Điều gì sẽ giúp chúng ta bất tử? Làm thế nào để chữa khỏi tất cả các bệnh? Bộ não hoạt động như thế nào? Việc học tập hoạt động như thế nào và bằng cách nào chúng ta có thể cho phép con người học hỏi nhiều gấp hàng triệu lần? "
Theo tờ The New Yorker, người đồng sáng lập Oracle, Larry Ellison, đã quyên góp ít nhất 370 triệu USD cho nghiên cứu chống lão hóa. Hai nhà đồng sáng lập Google là Sergey Brin và Larry Page đã giúp thành lập công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học Calico. Đây là công ty con của Alphabet, chuyên nghiên cứu các bệnh liên quan đến lão hóa như tiểu đường và Alzheimer.
Nói cách khác, người đàn ông giàu nhất thế giới Elon Musk, nắm trong tay khối tài sản 265,4 tỷ USD, lại có quan điểm trái ngược so với số đông đồng nghiệp của ông ở Thung lũng Silicon.
Elon Musk nói: "Tất nhiên tôi muốn duy trì sức khoẻ trong một thời gian dài. Nhưng tôi không sợ chết. Tôi nghĩ rằng cái chết đến như một sự giải thoát".
Theo CNBC