Điểm sáng giữa "cơn lốc" mang tên Covid-19
Mặc dù được đánh giá sẽ chịu nhiều tác động do dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và sau đó là nhiều nước khác nhưng xuất khẩu nông sản trong 3 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt được con số ấn tượng, thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn,
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt gần 15,2 tỷ USD.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản trong tháng 3/2020 ước đạt 3,5 tỷ USD, giảm 3,2% so với tháng 3/2019 nhưng tăng 16,6% so với tháng 02/2020; trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt gần 1,6 tỷ USD, lâm sản chính đạt gần 1,1 tỷ USD, thủy sản đạt 549 triệu USD và chăn nuôi đạt 43 triệu USD,…
Gạo là một trong những mặt hàng giữ được tăng trưởng xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2020. Ảnh: I.T
Tính chung quý I, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 9,06 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt 4,2 tỷ USD, giảm 3,1%; lâm sản chính đạt 2,8 tỷ USD, tăng 16,13%; thủy sản ước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 14,0%; chăn nuôi ước đạt 109 triệu USD, giảm 21,8%.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm kim ngạch, trừ gạo, rau, sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre đan,... Cụ thể, xuất khẩu gạo đạt 1,7 triệu tấn (tăng 19,9%), giá trị đạt 774 triệu USD (tăng 27,8%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,62 tỷ USD (tăng 15,9%)...
Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn đến thị phần xuất khẩu nông sản sang các thị trường chính. Theo đó, Mỹ chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, tăng 18% và chiếm 23,2% thị phần.
Tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 1,9 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ và chiếm 21,4% thị phần; thị trường EU ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm 0,9% và chiếm 13,1% thị phần.
Xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 802 triệu USD, tăng 2,72%, chiếm 8,9% thị phần; xuất khẩu sang các nước ASEAN đạt 970 triệu USD, tăng 16,4% và chiếm 10,7% thị phần.
Trung Quốc kiểm soát tốt Covid-19, cơ hội tăng xuất khẩu
Theo ông Đinh Viết Tú - Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT). dù dịch Covid-19 lan rộng ở nhiều nước EU và Mỹ, ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu nông sản nhưng chúng ta vẫn có thể tìm thấy niềm hy vọng khi Trung Quốc hiện đang kiểm soát tốt dịch Covid-19 do đó thị trường nông sản bắt đầu hồi phục từ tháng 4/2020 dẫn đến nhu cầu nhập khẩu nông sản cao, trong đó có mặt hàng gạo.
Thời điểm tháng 4, tháng 5 được dự báo sức mua tại thị trường Trung Quốc tăng trở lại, lúc đó, nhiều loại trái cây của Việt Nam như vải thiều cũng chuẩn bị vào vụ. Ảnh: I.T
Nhật Bản, Hàn Quốc cũng được dự báo sẽ tăng nhập khẩu thực phẩm vào tháng 4, tháng 5; trong khi đó châu Phi có thể giảm nhu cầu gạo với Trung Quốc do lo ngại dịch Covid-19 lây lan, trong khi giá gạo Thái Lan lại cao nên đây có thể là cơ hội cho gạo Việt chiếm lĩnh thị trường này.
Đối với mặt hàng rau quả, theo ông Đinh Viết Tú, để thúc đẩy nhập khẩu, Trung Quốc chú trọng khôi phục vận hành bình thường của hoạt động logistic, chuyển phát nhanh hàng hóa nhằm giải phóng sức tiêu thụ trong nước.
Ngoài các biện pháp mạnh mẽ cải cách hành chính, Trung QUốc cũng giảm thuế 80 mặt hàg thực phẩm để thúc đẩy nhập khẩu.
Trên cơ sở đó, hiện Bộ NNPTNT tiếp tục đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc thúc đẩy nhanh tiến trình đàm phán mở cửa thị trường cho một số nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: sầu riêng, bơ, chanh leo, bưởi, na, roi, thạch đen,...
Đối với thị trường Mỹ và EU, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên mặt hàng gỗ, thủy sản, trái cây có thể bị ảnh hưởng. "Các nước này phải mất khoảng 3 tháng để khống chế dịch bệnh, như vậy phải đến tháng 6, tháng 7, thị trường nhập khẩu nông sản mới được kích hoạt trở về trạng thái bình thường" - ông Tú nói.
Để đón đầu sức mua tăng trở lại của thị trường Trung Quốc, Bộ NNPTNT cũng đề nghị các doanh nghiệp thực hiện các phương án, kịch bản xuất khẩu nông sản đáp ứng nhu cầu tăng cao khi Trung Quốc hết dịch. Đây cũng là thời điểm nhiều loại trái cây của Việt Nam vào vụ như vải, nhãn,... nên có thể tận dụng cơ hội, đón đầu làn sóng mua sắm trở lại sau thời gian đóng băng do dịch Covid-19.
Bộ sẽ tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường (mở rộng công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu) sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á – Âu, Hoa Kỳ, Brazil… và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Ả rập xê út.
Theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; làm việc với phía bạn để xác định cụ thể các biện pháp bảo đảm thông quan hàng hóa, kiểm soát tốt dịch bệnh; thúc đẩy tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu theo hướng bền vững.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu trong nước (lúa gạo, thịt lợn, rau quả, thủy sản, đường, muối) để cân đối cung cầu, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu nông sản; nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương, doanh nghiệp kết nối thu mua nông sản, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm cho người dân, đặc biệt trong thời gian Chính phủ áp dụng các biện pháp mạnh để phòng chống Covid-19.