Con số thống kê bất ngờ
Theo Reuters, đây là con số cao kỷ lục kể từ khi dữ liệu này được ghi nhận năm 2006.
Bất chấp hàng rào thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cân bằng thâm hụt thương mại với Trung Quốc, hôm 14/1, bắc Kinh công bố dữ liệu thương mại năm 2018 cho thấy thặng dư với Mỹ đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Trong một năm qua, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng 17% lên 323.32 tỷ so với một năm trước đó. Xuất khẩu sang Mỹ tăng 11,3% trong năm 2018 trong khi nhập khẩu từ Mỹ tới Trung Quốc chỉ tăng 0,7% trong cùng kỳ. Trong khi đó, tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc trong năm 2018 là 351,76 tỷ USD với tổng xuất khẩu tăng 9,9% trong khi tổng nhập khẩu tăng 15,8%.
Tuy nhiên, dù thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ tăng trong năm ngoái những xét tổng thể, 2018 là năm mà Trung Quốc có thặng dư thương mại thấp nhất kể từ năm 2013 ngay cả khi xuất khẩu đạt mức cao nhất kể từ năm 2011.
Dẫu vậy, những "cơn gió ngược" là điều có thể sẽ gây ảnh hưởng tới kinh tế Trung Quốc trong năm 2019 này. Dữ liệu xuất nhập khẩu tháng 12/2018 của Trung Quốc cũng đã ghi nhận những sự sụt giảm so với hồi đầu năm và là mức giảm lớn nhất theo tháng trong 2 năm qua.
Chứng khoán châu Á lao đao vì dữ liệu của Trung Quốc
Các thị trường chứng khoán ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương bắt đầu phiên giao dịch với một diễn biến rất tệ. Hầu hết các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc và Singapore đều sụt giảm. Trong khi đó, chứng khoán Nhật nghỉ giao dịch trong phiên ngày 14/1 vì là ngày lễ.
Kết thúc phiên giao dịch, Shanghai composite đóng cửa với mức giảm 0,71%, tương đương 18,07 điểm. SZSE Component Index cũng giảm 0,87% trong khi S&P/ASX 200 của Australia cũng chìm trong sắc đỏ. KOSPI của Hàn Quốc mất 0,53% trong khi Hang Seng Index hứng chịu mức giảm lên tới hơn 400 điểm, tương đương 1,57% vào lúc 14h20 theo giờ Hà Nội.
Thông tin về dữ liệu xuất nhập khẩu sụt giảm trong tháng 12 của Trung Quốc được xem là nguyên nhân chính khiến cú trượt bao trùm châu Á. Nó làm sâu sắc thêm những quan ngại về nguy cơ giảm tốc của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ vẫn chưa đạt được tiến bộ rõ rệt.
Louis Kuijs, người đứng đầu bộ phận Kinh tế châu Á của Oxford Economics, nhấn mạnh việc Trung Quốc nhập khẩu chậm hơn dự báo là dấu hiệu khác cho thấy tăng trưởng kinh tế nội địa đang yếu hơn. "Chúng tôi nghĩ rằng tăng trưởng kinh tế tổng thể sẽ chậm lại trong quý IV năm 2018 và vẫn chịu áp lực từ xuất khẩu yếu, tăng trưởng tín dụng chậm và bất động sản hạ nhiệt trong nửa đầu năm 2019", ông Kuijs nhận định.