Tính tới thời điểm hiện tại, Đức đang vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 một cách khá ổn định. Phần lớn nền kinh tế đã tái mở cửa còn số ca nhiễm mới và tử vong vì virus duy trì ở mức có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, với Thủ tướng Angela Merkel, bà sắp phải đối mặt với một giai đoạn cuối nhiệm kỳ khá mơ hồ, thậm chí là không có người kế nhiệm sau khi bà rời bỏ quyền lực vào năm sau.
"[Hiện tại] không có ai trong tầm mắt vì bà ấy đã loại bỏ những người có thể cản bước mình", nhà khoa học chính trị Thomas Jaeger từ Đại học Cologne chia sẻ với tờ SCMP. Ông Jaeger ám chỉ một loạt những nam chính trị gia quyền lực đã phải chịu "khuất phục" trước bà Merkel kể từ khi bà nắm quyền kiểm soát đảng bảo thủ vào năm 2000. "Không còn ai cả… nhưng đó là vấn đề của đảng, không phải là của bà Merkel".
Bà Merkel vào năm 2000 khi trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của một đảng chủ chốt trên chính trường Đức (ảnh: AFP)
Ở những thời khắc cuối sau hơn 15 năm lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu, nữ chính trị gia 66 tuổi lại một lần nữa đứng ở đỉnh cao quyền lực nhờ vào tỷ lệ ủng hộ ổn định mà bà giành được cho Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của mình. Đây cũng chính là phần thưởng cho những nỗ lực "chèo lái" nước Đức của nữ thủ tướng trong suốt đại dịch COVID-19.
Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây chỉ ra, tỷ lệ ủng hộ cho CDU ở mức 37% - tăng 11 điểm so với tháng 3. Đảng đứng thứ 2 – Đảng Xanh bị bỏ xa khi chỉ đạt được tỷ lệ 20%.
Bà Merkel đã gạt bỏ những ý kiến mong bà cân nhắc tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 5, ngay cả khi đảng của bà gần như chắc chắn sẽ giành thắng lợi. Đáng chú ý, chỉ một năm trước đó, cũng chính bà phải đứng trước một loạt lời kêu gọi bà từ chức.
Mặc dù được bà Merkel chọn lựa làm người kế nhiệm, hồi tháng 2 nữ bộ trưởng quốc phòng Annegret Kramp-Karenbauder đã tuyên bố từ bỏ vị trí nhà lãnh đạo CDU và ứng cử viên thủ tướng. Sau đó, 3 nam chính trị gia bảo thủ đã bày tỏ mong muốn kế nhiệm bà Merkel ở CDU và tham gia tranh cử thủ tưởng. Một số nhà phân tích cho rằng, bà Merkel ủng hộ Kramp-Karrenbauder thay thế mình vì quyền lực của nữ chính trị gia này quá yếu và sẽ không ảnh hưởng tới quá trình bà hoàn tất nhiệm kỳ thứ 4.
Sự lãnh đạo của vững vàng của bà Merkel trong cuộc chiến với COVID-19 đã khiến nhiều cử tri Đức quên đi quyết định gây tranh cãi của bà vào năm 2015, khi mở cửa biên giới để hàng triệu người tị nạn từ Syria và Trung Đông tràn vào nước Đức.
"Rất dễ để quên đi bà Merkel đã bị phản đối nhiều như thế nào vào một năm rưỡi trước đây – sau đó corona xuất hiện và cứu bà ấy", ông Jaeger nói. Từng là một biểu tượng cho sự ổn định của nước Đức trong suốt gần 15 năm nắm quyền, trước khi đại dịch bùng phát, bà Merkel dần mất đi quyền lực và sự kiểm soát trong giai đoạn cuối của sự nghiệp.
Theo biên tập viên cấp cao của tờ Sueddeutsche Zeitung là Stefan Kornelius, nước Đức có thể vượt qua khủng hoảng một cách ổn thỏa như vậy, là nhờ công lao chủ yếu của bà Merkel. Phong cách lãnh đạo của bà tỏ ra rất phù hợp với những thời kỳ khó khăn.
"Merkel chính là bà ấy và không hề thay đổi phong cách lãnh đạo một chút nào trong suốt 15 năm tại vị", Kornelius nhận định. "Nhưng khác biệt lớn là phong cách lãnh đạo của bà một lần nữa lại được ưa chuộng. Đó là những gì đất nước cần – một người tiếp cận vấn đề một cách bình tĩnh, thận trọng, có hệ thống và không bị chi phối bởi ý thức hệ và đảng phái… Đó là phong cách đặc trưng của bà trong suốt 15 năm qua. Nó từng bị chê bai trong một thời gian sau cuộc khủng hoảng người tị nạn và không được nhiều người Đức ưa thích nữa. Nhưng giờ nó lại được ủng hộ".
Trong các cuộc họp báo và bài phát biểu thời COVID-19, bà Merkel đã cung cấp các dữ liệu và nhận định từ giới khoa học và chuyên gia y tế. Hầu hết thính/khán giả của bà đều cảm thấy họ đang được nghe chính những gì mình muốn nghe. Bà luôn tỏ ra rõ ràng, dứt khoát với những lời cảnh báo trực diện – yêu cầu người dân ở nhà và tuân theo các khuyến nghị giãn cách xã hội từ chính quyền.
Bà Merkel và Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karenbauder khi bà Kramp-Karenbauder được bầu làm nhà lãnh đạo Đảng CDU (ảnh: DW)
Mặc dù đôi khi bị chỉ trích vì không chú trọng thực hiện cải cách kinh tế, nhưng bà Merkel đã chứng tỏ mình là một người quản lí khủng hoảng tài ba suốt 4 nhiệm kì: năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu Lehman Brothers; khủng hoảng nợ Hy Lạp và khủng hoảng tiền tệ châu Âu sau đó; năm 2015 khủng hoảng người tị nạn rồi tới sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy tại châu Âu và cả Brexit.
"Bà Merkel không phải là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn rất xa mà là một người sẽ giải quyết các vấn đề cực kỳ phức tạp theo một phong cách tỉnh táo", Kornelius đánh giá. "Bà đã lãnh đạo Đức và châu Âu vượt qua mỗi cuộc khủng hoảng bằng cách đơn giản chỉ là giữ bình tĩnh và tránh những cuộc tranh đấu ý thức hệ giữa các đảng phái".
Sẽ không thỏa đáng nếu gọi bà Merkel là vũ khí bí mật của Đức trong cuộc chiến chống lại virus corona mới bởi vì bản thân bà cũng có sai lầm và không phải luôn quản lý hết được 16 thống đốc bang. Tuy nhiên, giới phân tích đều thống nhất, bà xứng đáng được ca ngợi vì những đường lối chính sách ổn định giúp cứu sống hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn người.
"Merkel nổi lên như một nhà lãnh đạo khủng hoảng xuất sắc", giáo sư sử học Joern Leonhard tại Đại học Freiburg chỉ ra. "Khi bạn ở trong cùng một phòng với bà ấy, đây là những thứ sẽ xảy ra: bà thực sự nghĩ và phân tích như một nhà khoa học tự nhiên; bà lắng nghe, cân nhắc các chứng cứ và sau đó hành động theo từng bước rất nhỏ, có lí trí và chắc chắn".
"Trong thời kỳ bình thường, nhiều người sẽ nghĩ bà Merkel có đôi chút chậm chạp, thậm chí là quá thận trọng…, nhưng trong thời kỳ khủng hoảng, có một nhà lãnh đạo như bà sẽ rất hiệu quả", ông Leonhard kết luận.