"Made in USA" vs "Made in China": Khi chiến tranh thương mại nâng tầm thành Đại chiến công nghệ (P.1)

23/05/2019 11:50
Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, khi 1 thế lực mới bành trướng và đe dọa thế lực cũ, xung đột và chiến tranh là điều tất yếu phải xảy ra. Những cuộc đàm phán, thỏa thuận chỉ tạm làm dịu xung đột về lợi ích chứ không thể ngăn cản được xu thế đối đầu giữa các cường quốc.

Mới đây, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định cấm các công ty nước này không được cung ứng cho hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc đã làm thay đổi tình hình chiến tranh thương mại. Từ 1 cuộc chiến đơn thuần về giao thương, xuất nhập khẩu được nâng tầm lên thành cuộc xung đột về công nghệ cũng như đường lối phát triển kinh tế trong thế kỷ 21.

Trong kỷ nguyên cách mạng công nghệ thứ IV, 1 nền kinh tế kỹ thuật cao là đường lối mà cả Trung Quốc, Mỹ hay nhiều nước khác hướng tới. Bởi vậy, việc Tổng thống Trump yêu cầu các công ty chip như Qualcomm, Xilinx hay Broadcom dừng cung cấp cho Huawei là điều dễ hiểu khi cả 2 nước đang cố đạt được 1 thỏa thuận thương mại có lợi cho phía mình.

Các công ty Mỹ nếu muốn cung cấp cho Huawei thì phải xin phép chính phủ và hệ quả tất yếu là nhiều dự án, chương trình kinh doanh của Huawei bị ảnh hưởng. Nên nhớ rằng Huawei đang sử dụng khá nhiều thiết bị của công ty Mỹ cũng như dùng phần mềm Android của Google cho phiên bản di động nước ngoài.

Made in USA vs Made in China: Khi chiến tranh thương mại nâng tầm thành Đại chiến công nghệ (P.1) - Ảnh 1.

Nhập khẩu chip bán dẫn vượt dầu thô tại Trung Quốc (tỷ USD)

Trên thực tế, hành động nâng tầm chiến tranh thương mại lên công nghệ đã từng được Mỹ sử dụng khi 1 lệnh cấm tương tự cũng đã từng được đưa ra với hãng công nghệ ZTE của Trung Quốc. Các công ty Mỹ đã được yêu cầu dừng chuyển hàng cho ZTE cho đến khi sự việc trở nên rõ ràng. Quyết định này của Mỹ đã khiến ZTE gần như phá sản và vụ việc chỉ được giải quyết sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm riêng với Tổng thống Trump.

May mắn thay, vụ việc của ZTE đã cảnh báo trước cho Huawei và hãng này đã có ít nhất khoảng 3 tháng đến 1 năm để có thể chuẩn bị cho 1 kịch bản tương tự. Dẫu vậy, 1 cuộc chiến toàn diện về công nghệ có thể xảy ra và những hãng như Huawei, Apple sẽ trở thành đối tượng chính cho các cuộc công kích từ Mỹ lẫn Trung Quốc.

Một số chuyên gia hiện nay vẫn cho rằng các lệnh cấm mới đây chỉ là chiêu trò cho cuộc đàm phán thương mại trước đó, nhưng bất kể lệnh cấm có bị dỡ bỏ hay không, các công ty Trung Quốc giờ đây đã nhận ra rằng họ không thể dựa dẫm vào Mỹ được nữa. Họ sẽ phải phát triển hệ điều hành riêng, sản xuất con chip riêng cũng như gây dựng cả 1 hệ thống cơ sở kỹ thuật cho các sản phẩm của mình thay vì chỉ đơn giản nhập khẩu từ Mỹ như trước đây.

Việc Trung Quốc dẫn đầu trong công nghệ 5G cũng như sự bành trướng của hàng loạt tập đoàn điện tử nước này đã khiến không chỉ Tổng thống Trump mà nhiều nhà lãnh đạo Phương Tây dè chừng. Chiến lược vung tay mua, sáp nhập những công ty công nghệ của các doanh nghiệp Trung Quốc đã liên tiếp vấp phải sự phản đối của chính phủ Mỹ lẫn Châu Âu trong vài năm trở lại đây.

Vụ việc Huawei mới đây nhất có thể chỉ là bước đi chiến thuật nhằm đạt thỏa thuận thương mại của Mỹ, nhưng chúng cũng cho thấy sự xung đột ngày càng căng thẳng giữa 1 bên vốn là cường quốc công nghệ còn bên kia là quốc gia đang phát triển mạnh về kỹ thuật và muốn chiếm ngôi.

Với khoản dự trữ khổng lồ và 1 thị trường độc quyền, gã nhà giàu mới nổi Trung Quốc hoàn toàn có thể đầu tư phát triển hệ thống công nghệ của riêng mình cho người dân trong nước nhưng Mỹ thì không thể khi họ có thị trường tự do. Tuy vậy, 1 cuộc chiến kéo dài sẽ làm hao mòn nền kinh tế của 2 bên và chuyển thành 1 cuộc chiến tranh lạnh mới như thời kỳ Liên Xô trước đây. Đến lúc đó, kẻ thua sẽ là người chịu tổn hại kém hơn, trong khi chẳng có ai là kẻ thắng.

Mặt trận không thể không đánh của Mỹ

Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, khi 1 thế lực mới bành trướng và đe dọa thế lực cũ, xung đột và chiến tranh là điều tất yếu phải xảy ra. Những cuộc đàm phán, thỏa thuận chỉ tạm làm dịu xung đột về lợi ích chứ không thể ngăn cản được xu thế đối đầu giữa các cường quốc.

Trên thực tế, thứ mà Tổng thống Trump lo ngại nhất không phải là mất việc làm hay thâm hụt thương mại mà là sự đánh cắp công nghệ, cướp mất ngôi vương của Trung Quốc. Trong nhiều thập niên, Mỹ đã là ông hoàng của công nghệ thế giới, từ phát triển trí tuệ nhân tạo đến những thiết bị kỹ thuật cao, đặc biệt là các sản phẩm bán dẫn.

Đối với mảng chip điện tử, Mỹ cũng là quốc gia dẫn đầu nhiều năm nhưng Trung Quốc lại đang vươn lên mạnh mẽ trong ngành này. Đây là nguyên nhân chính khiến Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ cũng như kỹ thuật của Mỹ.

Made in USA vs Made in China: Khi chiến tranh thương mại nâng tầm thành Đại chiến công nghệ (P.1) - Ảnh 2.

Tổng giá trị ngành bán dẫn của Trung Quốc (tỷ USD) và tốc độ tăng trưởng hàng năm (%)

Tại Mỹ, ngành công nghệ, đặc biệt là chip điện tử đóng vai trò vô cùng quan trọng cho một nền kinh tế số cũng như an ninh quốc phòng. Một chiếc xe lái tự động cần chip, hệ thống ngân hàng điện tử cần chip, mạng lưới phòng không, tên lửa hay nhiều thiết bị quốc phòng cũng cần chip.

Từ trước đến nay, Mỹ và các đồng minh như Hàn Quốc hay Đài Loan là những ông lớn trong mảng công nghệ bán dẫn và chip điện tử. Trung Quốc dù đã là nền kinh tế thứ 2 thế giới nhưng họ vẫn phải phụ thuộc vào những con chip công nghệ cao khó lòng sao chép. Thậm chí kim ngạch nhập khẩu hàng bán dẫn của Trung Quốc còn cao hơn tổng kim ngạch nhập khẩu dầu mỏ, loại nhiên liệu chiến lược cho nền kinh tế hay quốc phòng.

Trên thế giới hiện nay, danh sách 15 công ty bán dẫn có doanh số cao nhất thế giới không hề có một cái tên Trung Quốc nào, bất chấp đây là thị trường số 1 toàn cầu.

Nhận thức được điều đó, chính quyền Bắc Kinh năm 2014 đã đổ 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (150 tỷ USD) thành lập quỹ đầu tư chuyên về mảng công nghệ bán dẫn. Lĩnh vực này cũng là trọng điểm chú ý của kế hoạch "Made in China 2025" mà Trung Quốc đề ra.

Kế hoạch trên của Trung Quốc được thiết lập kể từ khi người tiền nhiệm Barack Obama của Tổng thống Trump cấm Intel bán một số thiết kế chip của mình cho Trung Quốc vào năm 2015, qua đó khiến chính quyền Bắc Kinh nhận rõ nguy cơ của mình trong mảng công nghệ.

Không riêng gì Mỹ, nhiều công ty của châu Âu, Hàn Quốc hay Đài Loan cũng có những động thái ngăn chặn việc Trung Quốc mua lại những hãng công nghệ cao của họ nhằm bảo vệ lợi thế sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, Trung Quốc buộc các tập đoàn nước ngoài phải có lộ trình chuyển giao công nghệ nếu muốn tiếp cận thị trường số 1 thế giới này.

Người Mỹ đã nhận ra rằng công nghệ là mảng hiếm hoi còn sót lại khiến họ có lợi thế hơn Trung Quốc. Đây là một trong nhưng nguyên nhân chính khiến nước này hết chèn ép ZTE rồi lại đến đánh Huawei.

Made in USA vs Made in China: Khi chiến tranh thương mại nâng tầm thành Đại chiến công nghệ (P.1) - Ảnh 3.

Chi phí doanh thu của Huawei (tỷ USD)

Ở phía bên kia Thái Bình Dương, chính quyền Bắc Kinh cũng nhận ra rằng họ không thể dựa dẫm quá nhiều vào Mỹ nữa. Sau vụ ZTE, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc nói chuyện với những người đứng đầu các tập đoàn công nghệ và Alibaba, Baidu, Huawei… đã đổ hàng đống tiền vào mảng sản xuất chip.

Kể từ đây, hàng loạt vấn đề xuất hiện khi các công ty Phương Tây khó tiếp cận thị trường Trung Quốc hơn nếu không lộ kỹ thuật, trong khi quân đội Mỹ và Châu Âu lại dè chừng dùng chip Trung Quốc sau những báo cáo về bảo mật và khả năng bị hack an ninh mạng.

Chiến thuật nào cho tương lai

Cuộc chiến giữa 1 bên cố gắng duy trì ngôi vương và bên kia cố bám sát sẽ chưa có hồi kết. Câu hỏi đặt ra là liệu Nhà Trắng có duy trì nổi cuộc chiến hiện nay không khi công nghệ bán dẫn đã ngày càng phổ biến trên thế giới. Bình quân mỗi nhà máy bán dẫn tại Mỹ có khoảng 16.000 hãng cung cấp thiết bị và hơn 50% trong số đó đến từ nước ngoài. Vậy điều gì sẽ đảm bảo công nghệ không bị tiết lộ?

Thêm nữa, Trung Quốc là thị trường số 1 thế giới và là nguồn tiêu thụ chính của nhiều mặt hàng công nghệ cao. Hãng Qualcoom có 2/3 doanh số là ở Trung Quốc và việc ngăn chặn các công ty tiếp xúc với Trung Quốc không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn cho người lao động, người tiêu dùng cũng như nền kinh tế.

Một yếu tố nữa khiến Tổng thống Trump buộc phải tăng sức ép chiến tranh thương mại hiện nay là cho dù có thế nào, Trung Quốc vẫn sẽ phát triển công nghệ. Những động thái hiện nay của Mỹ có thể làm Trung Quốc chậm lại nhưng không ngăn được quốc gia này đầu tư cho công nghệ và đến một ngày, lệnh giới hạn của người Mỹ sẽ mất tác dụng.

Cũng tương tự như Thung lũng Silicon hỗ trợ hình thành nên sức mạnh của kinh tế, quốc phòng Mỹ, chính quyền Bắc Kinh cũng đang đổ tiền để xây các trung tâm công nghệ. Hàng loạt các dự án thu hút nhân tài từ nước ngoài, chủ yếu là từ Đài Loan được hình thành. Những tập đoàn công nghệ lớn như Huawei đã thành công từ bỏ sự phụ thuộc vào Intel để phát triển phần nào công nghệ bán dẫn cho các sản phẩm của mình.

Made in USA vs Made in China: Khi chiến tranh thương mại nâng tầm thành Đại chiến công nghệ (P.1) - Ảnh 4.

Huawei là nhà cung cấp smartphones hệ điều hành Android lớn thứ 2 thế giới

Ngoài ra, sự bùng nổ công nghệ của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm khá nhạy cảm khi con người có những bước tiến đáng kể trong kỹ thuật chip bán dẫn. Hàng thập niên trở lại đây mảng chip bán dẫn đã phát triển đến một giai đoạn bão hòa và chuyển sang những kỹ thuật cũng như vật liệu mới, thời điểm mà Trung Quốc có nhiều cơ hội để đi tắt đón đầu.

Liệu Trung Quốc có giành được chiến thắng trong trận chiến này không vẫn còn là câu hỏi chờ được giải đáp trong tương lai.

(Còn tiếp)

Tin mới

Quang Linh Vlogs thôi Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X
4 giờ trước
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành quyết định về việc thôi Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X đối với Phạm Quang Linh.
Quang Linh Vlogs và Hằng Du mục bị khởi tố tội danh gì?
6 giờ trước
Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố, bắt tạm giam Quang Linh Vlogs và Hằng Du mục liên quan vụ án xảy ra tại Công ty CP Asia Life và Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt.
Tiếc 50.000 đồng phí đặt hộ, nữ du khách "đi tong" cả chục triệu vì lỗi nhỏ khi tự mua vé máy bay
6 giờ trước
Chỉ vì muốn tiết kiệm vài chục nghìn đồng khi đặt vé máy bay, một nữ du khách đã phải đối mặt với lỗi sai nghiêm trọng khiến toàn bộ chuyến bay của gia đình 3 người đứng trước nguy cơ bị hủy.
Khởi tố Chủ tịch Công ty Cây xanh Công Minh, song bị can đã bỏ trốn
6 giờ trước
Công ty Cây xanh Công Minh đã thực hiện hơn 600 gói thầu trên cả nước, tổng giá trị khoảng hơn 3.500 tỉ đồng, trong đó thanh toán khoảng 3.000 tỉ đồng
'Honda Lead chạy điện' sắp lên kệ ở VN: Chi dưới 7 triệu đã có thể mang xe về, có pin đầy trong phút mốt
7 giờ trước
Mẫu xe điện Honda này có màn hình màu, kích thước lên tới 7 inch.

Tin cùng chuyên mục

Đoàn công tác của Việt Nam sắp sang Mỹ làm việc về vấn đề áp thuế 46%
1 ngày trước
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, cuối tuần này, đoàn công tác của Việt Nam sẽ sang Mỹ.
Ô tô Honda đồng loạt giảm giá đậm trong tháng 4: Cao nhất 250 triệu đồng, kèm nhiều quà tặng
2 ngày trước
Nhiều mẫu ô tô Honda đang được mạnh tay giảm giá nhằm xả hàng tồn và thu hút người mua.
Thế giới sắp đổ 40.000 tỷ USD để "đãi mỏ vàng" khổng lồ mới: Việt Nam không ngoại lệ!
3 ngày trước
Lĩnh vực này đang dần vượt lên khỏi vai trò là một xu hướng, trở thành lộ trình tất yếu của nhiều nước trên thế giới.
Đang có 96 máy bay, Vietnam Airlines muốn mua thêm 50 chiếc
3 ngày trước
Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia Việt Nam, đang lên kế hoạch đầu tư lớn để mở rộng đội bay, với dự án mua thêm 50 tàu bay thân hẹp trị giá khoảng 92.800 tỷ đồng.