Tại họp báo về Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát sáng nay (20/2), Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đã làm rõ về khái niệm này. Theo đó, ông cho biết đây là tên gọi chung cho 5 khu vực.
Thứ nhất là kinh tế ngầm, tức khu vực kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu giếm có chủ ý để tránh thuế, thủ tục hành chính và trách nhiệm xã hội.
Thứ hai là kinh tế bất hợp pháp, tức bị luật pháp cấm hoặc hợp pháp nhưng chưa cấp phép.
Thứ ba là kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, tức bộ phận kinh doanh phi chính thức chưa được thu thập thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh.
Thứ tư là hoạt động kinh tế tự sản tự tiêu của hộ gia đình. Đây là hoạt động sản xuất của hộ gia đình tạo ra sản phẩm để tiêu dùng và tích lũy cho chính các thành viên của hộ gia đình đó.
Thứ năm là hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.
Theo ông Lâm, khu vực kinh tế chưa quan sát ngày càng đa dạng, phức tạp và tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Do vậy, khu vực kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp chưa được nhận thức đầy đủ.
Một số nước như Hà Lan đã đưa hoạt động nhạy cảm như mại dâm vào thống kê và coi đây là một hoạt động kinh tế để quan lý. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là tại Việt Nam, các hoạt động mại dâm, tham nhũng hay buôn lậu… sẽ được thống kê như thế nào?
Trả lời vấn đề này, ông Lâm cho biết trong năm 2019 Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp với các bộ ngành xác định từng thành tố, mỗi nhóm gồm những hoạt động nào từ đó xây dựng lộ trình thực hiện thống kê.
Đối với mại dâm, do đây là hoạt động trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam nên dù nhiều quốc gia đưa đã xét đến nhưng Việt Nam chưa chắc thực hiện. Còn với tham nhũng, ông Lâm giải thích rằng đây không phải hoạt động sản xuất, nên tham nhũng không nằm trong mục tiêu thu thập thông tin tính toán.
"Tham nhũng chỉ được phát hiện sau khi điều tra vụ án", ông nói.
Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ được triển khai từ năm 2019, xác định các hoạt động được liệt kê vào 5 nhóm kinh tế chưa được quan sát như đã đề cập ở trên. Từ đó, Tổng cục Thống kê đo lường tính toán, rút kinh nghiệm để 2020 đo lường chính thức và hàng năm sẽ có đánh giá kết quả, cập nhật phương pháp biên đoạn các chỉ tiêu kinh tế.