Cử tri đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các chủ đầu tư khu đô thị mới xây dựng trường học theo đúng quy hoạch được duyệt khi nhiều chủ đầu tư chỉ chăm chăm xây nhà để bán mà quên xây trường.
Trong báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri trước kỳ họp HĐND TP, cử tri tại các quận huyện tiếp tục có kiến nghị về việc các chủ đầu tư tại các khu đô thị, khu nhà ở không thực hiện đúng quy hoạch được duyệt.
Tại Khu đô thị mới trên địa bàn huyện Hoài Đức, đặc biệt khu đô thị HUD thuộc xã Vân Canh, cử tri phản ánh hiện nay khu đô thị chưa được đầu tư xây dựng trường học; việc thiếu trường học đã làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trên địa bàn. Do đó, cử tri đề nghị UBND TP quan tâm chỉ đạo các chủ đầu tư khu đô thị mới xây dựng hệ thống trường học theo đúng quy hoạch được duyệt.
Khu đô thị HUD thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức dù các khu nhà ở thấp tầng đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay trong khi đó trường học chưa được đầu tư xây dựng. |
Về việc này, UBND TP Hà Nội cho biết, hiện nay tại các khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội nói chung, TP đã giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát lại các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên toàn địa bàn TP.
"Đối với các đồ án, dự án chưa đảm bảo chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (trong đó có trường học) theo quy chuẩn quy hoạch xây dựng đều phải xem xét để điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án đầu tư để đảm bảo đủ chỉ tiêu hạ tầng theo quy định", UBND TP Hà Nội nêu rõ.
Cũng theo UBND TP, riêng đối với các khu đô thị trên địa bàn huyện Hoài Đức, đặc biệt với Khu đô thị HUD thuộc xã Vân Canh, theo quy hoạch điều chỉnh đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 5092/QĐ-UBND ngày 31/7/2017, trong đó: Đất nhà trẻ, mẫu giáo có tổng diện tích khoảng 10.589 m2, (gồm các ô đất ký hiệu NT1, NT2); Đất trường tiểu học có tổng diện tích khoảng 16.685 m2 (gồm các ô đất ký hiệu THI, TH2) sẽ được chủ đầu tư sớm triển khai trong giai đoạn 2 của dự án.
Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định. TP sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo, đủ điều kiện phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư để chủ đầu tư sớm tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án.
Cũng phải nói thêm rằng, trước đó, nêu tại báo cáo Kết quả giám sát về việc xây dựng trường học tại các khu đô thị mới, khu nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội từ năm 2016 đến tháng 3/2019, HĐND TP đã chỉ ra nhiều khu đô thị mới, khu nhà ở chủ đầu tư chỉ chăm chăm xây nhà để bán mà bỏ "quên" xây trường học. Trong đó, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (Tổng HUD) thuộc Bộ Xây dựng được HĐND TP Hà Nội chỉ rõ nằm trong danh sách có nhiều các khu đất, dự án làm trường học, hạ tầng chậm triển khai.
Tại khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm quy hoạch 6 ô đất xây trường học. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 1 công trình trường tiểu học hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng. 5 ô đất quy hoạch xây dựng trường học Tổng HUD đã chuyển nhượng hạ tầng 2 ô đất cho nhà đầu tư thứ phát nhưng chưa xây dựng công trình; 2 ô đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 1 ô đang vướng mắc chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Khu đô thị Đoàn Ngoại giao do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư, với quy mô 62.8ha và tổng vốn đầu tư lên đến 1300 tỷ đồng được đưa vào sử dụng từ năm 2011 đến nay việc trường học vẫn chủ yếu nằm trên giấy. 1 năm sau báo cáo kết quả giám sát của HĐND TP lô đất xây dựng trường học vẫn xanh cỏ. |
Còn tại Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) cũng do Tổng HUD làm chủ đầu tư. Dự án xây trên ô đất rộng 51ha với quy mô dân số lên đến 6.700 người khởi công từ năm 2002, quy hoạch 6 ô đất xây trường học nhưng đến nay chỉ có 1 lô đất xây trường mầm non đã hoàn thành. 5 lô còn lại lô thì vướng quy hoạch nghĩa trang, 3 lô tổng đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ phát tuy nhiên đến nay nhà đầu tư chưa xây dựng.
Hay ở dự án khác của Tổng HUD là khu đô thị mới Việt Hưng chủ đầu tư đã chuyển giao 5 lô đất trường học cho các nhà đầu tư thứ cấp 2 nhưng nay mới chỉ có 1 công trình trường học đã hoàn thành.
Sau báo cáo giám sát đất trường học vẫn bỏ hoang
Ghi nhận của PV VietNamNet đến nay sau 1 năm báo cáo Kết quả giám sát về việc xây dựng trường học tại các khu đô thị mới, khu nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội từ năm 2016 đến tháng 3/2019 của HĐND TP, tại nhiều khu đô thị tình hình vẫn không có chuyển biến, trường học vẫn nằm trên giấy, các ô đất tiếp tục bị bỏ hoang trong khi đó người dân, trẻ em trong các khu đô thị không được đảm bảo quyền lợi vẫn “quay cuồng” trong “cơn khát” trường học.
Ghi nhận tại khu đô thị Đoàn ngoại giao do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư, với quy mô 62,8ha và tổng vốn đầu tư lên đến 1300 tỷ đồng. Dự án nổi tiếng là khu đô thị có mật độ xây dựng thấp, 30-33%, còn lại 70% là khu công viên cây xanh, hồ điều hòa, công trình công cộng…Có quy mô dân số toàn khu là 9700 người được đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng các khu nhà cao tầng liên tục điều chỉnh quy hoạch nhưng ở các khu đất xây trường học thì vẫn bỏ hoang, sử dụng sai mục đích. Đến nay sau 1 năm báo cáo kết quả giám sát của HĐND TP nhiều diện tích xây trường học vẫn đang xanh cỏ.
Dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu với quy mô 95ha, tổng mức đầu tư 500 triệu USD có quy mô hàng nghìn căn hộ, các khu nhà cao tầng liên tục điều chỉnh quy hoạch nhưng ở các khu đất xây trường học thì vẫn bỏ hoang. Sau báo cáo kết quả giám sát của HĐND TP trường học vẫn nằm trên giấy. |
Cư dân sống tại đây cho biết đã nhiều lần kiến nghị với cơ quan chức năng, chủ đầu tư về việc thực hiện đúng quy hoạch nhưng đến nay vẫn không thấy chủ đầu tư thực hiện. Mới đây tại buổi làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc, chính quyền và chủ đầu tư cư dân tiếp tục đề nghị tại các lô đất trường học nhà trẻ ký hiệu NT1,2; TH1,2 đã được quy hoạch nhưng đến nay chưa xây dựng chủ đầu tư phải đưa ra thời gian xây dựng hoàn thành cụ thể.
“Nếu quá thời hạn đề nghị báo cáo thành phố thu hồi và giao cho quận, phường xây dựng trường học công lập” – cư dân khu Đoàn Ngoại giao nêu rõ kiến nghị.
Hay tại Dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu, báo cáo kết quả giám sát của HĐND TP cũng nêu tên nhưng đến nay các khu đất xây trường học thì vẫn đang trong tình trạng quây tôn, bỏ hoang, sử dụng sai mục đích. Vừa qua, Cục Thuế TP Hà Nội đã yêu cầu truy thu gần 35 tỷ đồng tiền thuê đất do sử dụng sai mục đích nhiều thửa đất vốn được quy hoạch xây dựng trường học tại quận Bắc Từ Liêm của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng quốc tế Vigeba trong quá trình thực hiện dự án khu đô thị Thành phố giao lưu do công ty này làm chủ đầu tư.
Trong khi đó, cũng tại dự án này một loạt ô đất ký hiệu CC (đất công cộng, cây xanh) đã được chủ đầu tư chuyển đổi thành loạt khu chung cư cao tầng với hàng nghìn căn hộ để bán. Như khu đất vốn quy hoạch là đất công cộng, cây xanh nhưng nay được điều chỉnh thành 8 tòa chung cư cao tầng từ 28-35 tầng với gần 2.800 căn hộ mang tên khu Ngôi Sao An Bình 2 (An Bình City). Điều đáng nói, tổ hợp 8 tòa chung cư này được thi công trước rồi mới đi hoàn thiện các thủ tục pháp lý, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ công cộng sang nhà ở để bán.
Anh N.M – một cư dân khu đô thị Thành phố Giao lưu cho biết, khi mua nhà tại đây vợ chồng anh được giới thiệu sẽ có hệ thống trường học đầy đủ.
“Nhìn vào bản quy hoạch chúng tôi cũng tin tưởng không phải lo lắng về việc chọn trường lớp cho con. Nhưng đến nay mua nhà về ở đến mấy năm nay vẫn không thấy trường đâu. Dân chuyển về ngày càng đông mà quyền lợi của người dân của trẻ em trong khu đô thị không thấy phải đi xin học ở nơi khác. Cư dân chúng tôi rất bức xúc trước việc quy hoạch một đằng thực hiện một nẻo ở đây” – anh M. bức xúc.
Xử nghiêm chủ đầu tư "quên" công trình công cộng Mới đây, nêu tại văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM liên quan tới tình trạng quá tải hạ tầng, vỡ quy hoạch vì ồ ạt phát triển khu đô thị, chung cư mới, Bộ Xây dựng cho biết, pháp luật hiện hành đã có quy định điều chỉnh việc đầu tư xây dựng khu đô thị, chung cư mới để đảm bảo phát triển bền vững, quyền lợi của người dân, diện tích đất cho các công trình công cộng. Từ thực tế hiện nay, Bộ đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp nhằm đảm bảo diện tích đất dành cho các công trình công cộng phục vụ cộng đồng. Trong đó đối với UBND các cấp, Bộ đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư không triển khai xây dựng các công trình công cộng phục vụ cộng đồng theo quy hoạch được duyệt hoặc chậm đầu tư xây dựng các công trình này. |
Huỳnh Anh