Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, mới đây, Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) đã thông báo khởi xướng điều tra tự vệ toàn cầu đối với một số sản phẩm gạch ốp lát được phân loại theo các mã HS: 6907.21.21, 6907.21.23, 6907.21.91, 6907.21.93, 6907.22.11, 6907.22.13, 6907.22.91, 6907.22.93, 6907.23.11, 6907.23.13, 6907.23.91, 6907.23.93.
Thông báo này được đưa ra trên cơ sở yêu cầu của nguyên đơn ngành sản xuất nội địa Malaysia – Công ty Malaysia Ceramic Industry Group. Nguyên đơn cáo buộc rằng hàng hóa nhập khẩu nêu trên đã nhập khẩu vào Malaysia với khối lượng gia tăng tuyệt đối và tương đối, là nguyên nhân gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của Malaysia sản xuất hàng hóa tương tự.
Tiếp theo thông báo này, MITI sẽ gửi bản câu hỏi điều tra tới các bên liên quan đồng thời khuyến nghị các bên liên quan gửi bản trình bày quan điểm, lập luận bằng văn bản về vụ việc bằng cách trả lời bản câu hỏi điều tra hoặc các bằng chứng liên quan tới vụ việc.
Theo đó, thời hạn để các bên liên quan gửi yêu cầu nhận bản câu hỏi điều tra là trong vòng 15 ngày kể từ ngày công bố thông báo này trên Công báo Malaysia (ngày 13/9/2020). Thời hạn nộp bản trả lời bản câu hỏi điều tra và nộp quan điểm, lập luận bằng văn bản về cuộc điều tra là trong vòng 30 ngày kể từ ngày công bố thông báo này trên Công báo Malaysia.
Theo qui định của Malaysia, trong trường hợp các bên liên quan không cung cấp thông tin cần thiết, hoặc thông tin và lập luận không được gửi đúng thời gian quy định, Cơ quan điều tra sẽ sử dụng các chứng cứ, thông tin sẵn có để đưa ra kết luận điều tra.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan cần liên lạc với Cơ quan điều tra theo địa chỉ trên để đăng kí tham gia và nhận Bản câu hỏi điều tra trong thời hạn qui định. Đồng thời đọc kĩ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và nộp Bản câu hỏi điều tra theo đúng thời hạn qui định và hợp tác toàn diện với Cơ quan điều tra trong suốt quá trình vụ việc diễn ra.
Ngoài ra cần thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các đối tác nhập khẩu của Malaysia để có ý kiến với Chính phủ Malaysia, yêu cầu xem xét nghiêm túc lợi ích kinh tế xã hội và quyền lợi của người tiêu dùng, liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để trao đổi thông tin và nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh, bất kì hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Malaysia sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng biện pháp tự vệ do nguyên đơn đề xuất. Việc bị áp dụng biện pháp tự vệ sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, có nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu cho ngành sản xuất trong nước của Malaysia và/hoặc các đối thủ từ các quốc gia khác.